Ưu điểm của việc dùng Recovery Cube để trị liệu lạnh thay vì chườm đá đó là nó chính xác về nhiệt độ, nhanh chóng để kích hoạt và khô ráo nên sạch sẽ hơn rất nhiều so với chườm đá truyền thống.
Trong quá trình sử dụng thì mình cũng phát hiện ra một ưu điểm khác nữa của Recovery Cube là có thể dùng nó để hạ sốt. Dùng một cái khăn ẩm nhỏ đặt lên trán, sau đó áp phần sò lạnh lên trên để làm lạnh, Recovery Cube sẽ liên tục giữ lạnh cho khăn trong một thời gian dài.
Trị liệu Nóng – Lạnh xen kẽ sẽ kéo dài 20 phút và được coi là tính năng vượt trội của Recovery Cube. Sau khi kích hoạt thì Recovery Cube sẽ lần lượt chạy 4 liệu trình: 5 phút lạnh 8 độ, 5 phút nóng 43 độ, 5 phút lạnh 8 độ và 5 phút nóng 43 độ. Người dùng cũng có thể tuỳ chỉnh lại nhiệt độ của một liệu trình theo ý muốn chứ không nhất thiết ở mức lạnh và nóng như trên, tuy nhiên để đạt hiệu quả tương phản cao nhất thì nên để cài đặt như vậy.
Theo như Therabody thì liệu phát tương phản Nóng – Lạnh xen kẽ với mức nhiệt độ như vậy sẽ giúp tối ưu khả năng phục hồi khớp và cơ bắp sau mỗi lần tập luyện thể thao. Giúp vừa giảm đau, mềm cơ và tăng lưu thông máu toàn diện. Cá nhân mình đã dùng liệu trình này rất nhiều và mình thấy nó đặc biệt hiệu quả sau mỗi bài chạy dài, về áp vào các khối cơ lớn chạy một liệu trình xong là thấy chân nhẹ nhàng hẳn.
3. Một vài lưu ý khác
Recovery Cube có một đèn led nhỏ để báo dung lượng pin trong suốt quá trình sử dụng. Đèn chỉ màu Cam là pin yếu, Xanh dương là pin trung bình và Xanh lá là pin đầy.
Sẽ cần khoảng 90 phút để sạc đầy Recovery Cube và sau khi đầy thì có thể dùng liên tục 120 phút cho việc trị liệu Nóng hoặc Lạnh riêng biệt hoặc 60 phút cho việc trị liệu Nóng – Lạnh xen kẽ. Cá nhân mình thì chỉ thường dùng trị liệu Lạnh cho chân gồm 2 bắp chuối và 2 bắp đùi nên thời lượng pin hoàn toàn ổn, chỉ có cuối tuần sau các bài chạy dài mình dùng trị liệu Nóng – Lạnh xen kẽ thì chỉ được 3 lần là hết pin nên phải canh thủ công để chuyển đổi phân bổ đều 4 khu vực, hy vọng thế hệ tiếp theo pin sẽ ngon hơn chút cho đủ 4 lần.
Một lưu ý nhỏ cho các bạn đó là ở các mức 8 độ và 43 độ là mức rất lạnh và rất nóng nên khi sử dụng cần tự cảm nhận xem vùng da đó của các bạn có ổn không và có chịu được thời gian trị liệu không. Một số bạn có da mỏng hoặc nhạy cảm có thể sẽ kích ứng với các mức nhiệt độ này. Các bạn cũng không nên dùng liên tục nhiều liệu trình cùng một chỗ mà nên để cho phần da của khu vực đó được nghỉ ngơi một chút trước khi bắt đầu lại tránh tổn thương cho da.
Lúc đầu khi chưa được dùng Recovery Cube thì mình cảm thấy khá mơ hồ về sự hiệu quả của nó nhưng khi được trên tay và trải nghiệm thực tế sau mỗi lần chơi thể thao thì mình đánh giá đây là một thiết bị hồi phục quá tuyệt vời. Giá của Recovery Cube là 150$ tại thị trường Mỹ và 4,9 triệu đồng, hơi cao nhưng mà sử dụng được lâu dài và nhiều mục đích nên mình thấy hoàn toàn xứng đáng.