Theo một nghiên cứu mới được phát hiện, nhánh sông này – được gọi là Ahramat (có nghĩa là Kim tự tháp trong tiếng Ả Rập) dài 64km, chạy qua khu phức hợp kim tự tháp Giza cùng với các di tích khác, đã bị ẩn dưới sa mạc trong nhiều thiên niên kỷ. Sự tồn tại của dòng sông sẽ giải thích lý do vì sao 31 kim tự tháp lại được xây dựng thành một chuỗi dọc theo dải sa mạc ở thung lũng sông Nile vào 4700 đến 3700 năm về trước.
Từ trước đến nay, chính xác làm thế nào mà người Ai Cập cổ đại có thể xây dựng được những công trình khổng lồ vẫn luôn là một trong những bí ẩn lớn trong lịch sử loài người. Các nhà khảo cổ từ lâu đã đưa ra giả thuyết rằng người Ai Cập cổ đại hẳn đã sử dụng một tuyến đường thuỷ gần đó để vận chuyển các khối đá khổng lồ phục vụ việc xây dựng kim tự tháp.
“Nhưng không ai biết chắc chắn về vị trí, hình dạng, kích thước hoặc khoảng cách của tuyến đường thuỷ này với địa điểm các kim tự tháp cả.” – tác giả chính của nghiên cứu, Eman Ghoneim cho hay. Nhờ vào công nghệ radar, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng dòng sông hùng vĩ một thời khả năng cao bị vùi lấp bởi cát từ một đợt hạn hán lớn khoảng 4200 năm về trước. Cuối cùng là nó đã bị ẩn dưới đất nông nghiệp và sa mạc.
Ghoneim cho biết hầu hết các kim tự tháp đều có một con đường được đắp cao dẫn đến nhánh sông, nhánh sông này sẽ dẫn đến các ngôi đền trong thung lũng, nơi cũng có thể xem như là bến cảng trên sông. Điều này cho thấy rõ ràng tuyến đường thuỷ đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng các kim tự tháp.
Nick Marriner, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), người không tham gia vào nghiên cứu, đánh giá tích cực về nghiên cứu này. Ông cho rằng nghiên cứu đã chứng minh rằng khi các kim tự tháp được xây dựng, địa lý và cảnh quan của khu vực sông Nile khác biệt đáng kể so với ngày nay. Việc tái tạo lại các kênh của sông Nile có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách người Ai Cập cổ đại khai thác môi trường tự nhiên vào quá trình xây dựng như thế nào.
Theo Live Science