Việc bo tròn 4 góc của màn hình thực tế đem lại trải nghiệm tốt nha anh em, vì nó làm cho cảm giác như anh em đang dùng điện thoại vậy, hơn nữa các cửa sổ trên Windows vẫn theo chiều hướng vuông vức, nếu mở dạng full cửa sổ thì trông sẽ dễ chịu hơn. Nó cũng giống như việc trước đây iPad Pro 10.5-inch chuyển sang iPad Pro 11-inch với thiết kế mới vậy.
Nhưng nó cũng có viền màn hình phía dưới khá dày, phải chi mà Samsung làm mỏng nó đi luôn thì đẹp biết mấy.
Hiệu năng
Intel Core Ultra 7 155H, 16GB RAM LPDDR5x, 512GB SSD PCIe 4.0, cấu hình cơ bản cho một mẫu ultrabook ở thời điểm này. Mình từng hoài nghi là Galaxy Book4 Pro với thân hình mỏng nhanh như thế thì liệu nó có lặp lại tình trạng như Galaxy Book2 360 mà Tinh tế đã từng đánh giá trước đây hay không, đó là nhiệt độ cao, máy nóng và bị tụt giảm hiệu năng.
Đáng tiếc là điều đó vẫn xảy ra, nhưng không quá tệ như ngày trước, bản chất là do Core Ultra 7 155H mạnh hơn so với thế hệ Intel Alder Lake trên Galaxy Book2 360 ngày trước mà Tinh tế từng đánh giá. Xung nhịp hoạt động thông thường của Galaxy Book4 Pro mà mình thấy được thì không quá cao, kể cả khi mình đã kích hoạt chế độ hiệu năng tốt nhất trên máy, chạy thử Cinebench đa nhân nhưng xung cao lắm cũng chỉ khoảng 3GHz, nhiệt độ thì đã chạm ngưỡng 100 độ C.
Việc xung nhịp không ổn định và có biên độ chênh lệch lớn từng xảy ra trước đây trên những mẫu Galaxy Book2, Galaxy Book3 và trên Galaxy Book4 Pro, chúng ta sẽ không thấy CPU hoạt động đa nhân với mức xung quá cao.
Thân hình của máy quá mỏng và nhiệt lượng của Core Ultra 7 155H toả ra trong quá trình hoạt động khiến cho Galaxy Book4 Pro không duy trì hiệu năng được lâu dài, Core Ultra 7 155H có thể đẩy mức tiêu thụ điện hơn 55W nhưng chỉ trong tích tắc, nó giảm còn 30W và ổn định ở ngưỡng đó, bù lại nhiệt độ vẫn trên 90 độ C.
Xung đơn nhân thì vẫn cao, 4.7GHz nhưng nhiệt độ thì không thay đổi. Với những mẫu laptop khác cũng Core Ultra 7 155H thì hoàn toàn có thể đạt điểm số Cinebench R23 và R24 cao hơn, nhưng không phải trên Galaxy Book4 Pro.
Samsung không còn sử dụng 1 quạt cho laptop 13 và 14-inch của mình nữa mà chuyển sang 2 quạt tản nhiệt và 2 ống đồng, tuy vậy thì hiệu quả vẫn chưa được cải thiện nhiều. Nếu không làm các tác vụ nặng, máy hoàn toàn ổn và mát mẻ, nhưng ngược lại thì máy sẽ nóng và khu vực nóng nhất là khu vực bản lề. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng nó sẽ nóng ran cả máy thì không phải đâu, chỉ khu vực bản lề của máy mà thôi, phần còn lại của mặt C thì vẫn thoải mái để gõ phím.
Nhìn chung, về hiệu năng thì Samsung vẫn còn nhiều việc phải làm, dù sao, đây vẫn được định hướng là một chiếc ultrabook, mà ultrabook thì nên làm những việc nó nên làm, và những việc nó được sinh ra để làm thì làm rất tốt. Việc theo đuổi một thiết kế quá mỏng, quá nhẹ cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến hiệu năng của máy.
Về AI thì Samsung cũng không thua kém gì bất kì một mẫu laptop nào của năm 2024 này, phím Copilot gọi nhanh trợ lý AI của Windows 11, việc chạy một LLM trực tiếp trên máy không phải một chuyện quá sức đối với mẫu laptop này, chỉ là bạn cần chọn đúng mẫu LLM, tham số không quá lớn (mình thấy với các mẫu laptop thì dưới 13 tỷ tham số là con số phù hợp nếu bạn có nhu cầu chạy LLM trực tiếp trên laptop).
Nói về thời lượng sử dụng pin, viên pin 63Whr trên Galaxy Book4 Pro cho mình thời lượng sử dụng tốt bất ngờ, đạt 7 tiếng on screen, tức là ngang ngửa với một mẫu laptop cũng 14-inch, cũng màn hình OLED nhưng có viên pin cao hơn là 75Whr. Samsung cũng trang bị khả năng sạc nhanh cho máy, 35% trong vòng 30 phút và 50% chỉ trong hơn 40 phút.
Hệ sinh thái Samsung với laptop, điện thoại, tai nghe, đồng hồ kết nối liền mạch
Nếu bạn cũng đang dùng điện thoại Samsung thì sự kết hợp giữa laptop và điện thoại là điều mà những thương hiệu khác sẽ phải ghen tị, trừ Apple (dĩ nhiên 😀). Nếu cũng sử dụng điện thoại, tablet của Samsung, đăng nhập vào cùng một tài khoản, bạn sẽ có được trải nghiệm liền lạc giữa các thiết bị này với nhau, điển hình là Multi Control.
Mình đã có bài giải thích Multi Control là gì, về cơ bản nó sẽ là giải pháp kết nối liền mạch giữa các thiết bị Galaxy với nhau, bao gồm khả năng truyền tải file, kéo thả file, điều khiển điện thoại bằng chuột và bàn phím của laptop, chia sẻ kết nối Wi-Fi Hotspot, chia sẻ màn hình, kết nối màn hình không dây….một trải nghiệm hiếm thấy trên những mẫu laptop Windows khác, dù bạn có dùng Intel Unison hay Phone Link.
Trong hệ sinh thái của Samsung, chúng ta còn có thể nhận cuộc đến trên bất kì thiết bị nào đang kết nối, miễn là chúng có đăng nhập chung một tài khoản Samsung. Trên Microsoft Store cũng có rất nhiều ứng dụng của Samsung phục vụ cho hệ sinh thái đó, xét riêng ở thị trường Windows thì hiếm có hãng nào làm nhiều và kết nối mạch lạc như Samsung.
Hình ảnh được chụp từ Samsung Galaxy cũng có thể đồng bộ dễ dàng và nhanh chóng qua laptop nhờ OneDrive, cả tài liệu cũng vậy, hoặc có thể tải ứng dụng Gallery để sử dụng. Đặc biệt, nếu bạn hay chụp hình RAW bằng Galaxy thì có thể dùng Expert RAW và hình ảnh cũng sẽ tự động chuyển sang Galaxy Book bằng Wi-Fi Direct.
Tạm kết
Với cá nhân mình, đây là lần thứ hai mình trải nghiệm một mẫu laptop của Samsung, sau trải nghiệm không mấy tốt ở lần đầu thì bây giờ, laptop Samsung đã tốt hơn rất nhiều. Mình thích ở mẫu Galaxy Book4 Pro này ở màn hình, thiết kế mỏng nhẹ, sử dụng rất thoải mái, nhất là khi di chuyển. Nếu bạn là người thường xuyên gặp khách hàng, những bạn làm sale, marketing thì Galaxy Book4 Pro rất phù hợp cho bạn.