“GS kén người đeo”, nhưng rốt cuộc kén tới mức nào?

8330887 GS Tinhte 1

Với cái kích thước 43.8×14.7mm, hoàn toàn không thiếu không gian để tạo ra chiều sâu cho mặt số của chiếc Grand Seiko này. Thậm chí vành rehaut xung quanh mặt số còn được thiết kế tới tận hai tầng, và những cọc số nổi nhìn rất hút mắt.

Điều đáng tiếc duy nhất, bộ máy cơ lên cót tự động Hi-Beat bền bỉ và đáng tin cậy của SBGH289 được giấu dưới nắp đáy kín, gia huy con sư tử trứ danh của những chiếc Grand Seiko đã từng xuất hiện trong suốt lịch sử thương hiệu. Bộ máy 9S85 bên trong chiếc SBGH001J thực sự là một tác phẩm nghệ thuật đối với những người được chiêm ngưỡng. Còn đối với một chiếc đồng hồ lặn tập trung gần như hoàn toàn vào tính thực dụng và công năng, đáy kín có lẽ là lựa chọn hợp lý hơn, theo Grand Seiko.


GS-Tinhte-11.jpg


Tông màu xanh biển đậm của chiếc đồng hồ lặn này, có lẽ chẳng bao giờ lỗi thời. Nó khiến mình nhớ tới mấy chiếc Seamaster Professional thời kỳ đầu Omega ứng dụng bộ máy Caliber 2500, một trong những bộ máy đầu tiên có hệ thống thoát Co-Axial. Nhưng những chiếc SMP ấy có cảm giác hơi điệu đà quá đối với bản màu xanh biển, vì bezel ceramic cũng cùng màu mặt số. Còn SBGH289 thì nhã nhặn hơn, nhờ tông màu đen của viền bezel.


GS-Tinhte-5.jpg


Có cảm giác, Grand Seiko tập trung tới 80% sự quan tâm trong thiết kế và công năng vận hành trên bản thân chiếc đồng hồ. Còn bộ dây thì ít được để ý hơn. Bằng chứng là, bộ khóa bấm 3-link có ngàm khóa thực sự chưa ưng ý mình cho lắm, lắc cổ tay thấy tiếng lọc cọc rõ ràng. Rồi thì từng endlink cũng chỉ cố định bằng những chân pin và ngàm giữ bên trong từng mắt của dây, không có ốc che ở bên ngoài. Đeo chiếc này hàng ngày, tháo ra lắp vào, ngay lập tức nhận ra cảm giác đeo một chiếc đồng hồ Nhật Bản.

Nhưng ở khía cạnh ngược lại, một khi đã vừa vặn trên cổ tay, và thiết kế khỏe khoắn, nam tính của chiếc đồng hồ phù hợp với thẩm mỹ của anh em, thực sự chẳng có điều gì có thể phàn nàn về công năng sử dụng của SBGH289 cả. Những người thực sự hợp với chiếc đồng hồ này sẽ hiếm khi phàn nàn về trọng lượng của nó trên cổ tay.


GS-Tinhte-14.jpg


Những trải nghiệm của mình với SBGH289 thực sự đưa chúng ta đến với tiêu đề của bài viết. Không có gì để phàn nàn chiếc Grand Seiko Sport này trên quan điểm đánh giá một chiếc đồng hồ lặn, hay một chiếc đồng hồ đeo tay máy cơ lên cót tự động. Nhưng ở cả hai khía cạnh thẩm mỹ hay chi phí, Grand Seiko luôn có những thiết kế tạo ra những phản ứng trái chiều. Thỉnh thoảng làng đồng hồ sẽ có một vài sản phẩm như vậy, đủ sức chia cộng đồng ra làm hai nửa.

Một nửa chắc chắn sẽ không chọn Grand Seiko vì nhiều lý do. Một trong những lý do chủ yếu là mức giá. Không phải ai cũng chọn đồng hồ xa xỉ vì chất lượng hoàn thiện, thiết kế, khả năng vận hành của máy móc. Trái lại, họ chọn vì khả năng biến cỗ máy thời gian, món trang sức trên cổ tay trở thành một món hàng đầu tư đúng nghĩa đen. Ở mức giá chính hãng mới toanh trên 7 nghìn USD, Grand Seiko có hai đối thủ đáng gờm nhất bên trời Âu, đấy chính là Rolex và Omega.


GS-Tinhte-6.jpg


Cũng đã có quá nhiều những so sánh giữa Grand Seiko với hai thương hiệu nổi tiếng nhất nhì làng đồng hồ Thụy Sỹ rồi. Nhưng anh em hãy để ý một điều, mọi so sánh ấy đều chỉ nhắm tới khía cạnh công năng và chất lượng hoàn thiện của sản phẩm. Những đường nét trên case thép của SBGH289 hay tổng thể bố cục chiếc đồng hồ luôn là thứ khiến Grand Seiko được đánh giá cao trong cộng đồng mê đồng hồ thế giới. Nhưng khi lựa chọn, hầu hết sẽ lại chọn những thiết kế có phần thủ cựu hơn, gần gũi hơn, thay vì quá khác biệt, có lúc quá cổ điển, nhưng có lúc lại quá hiện đại mà Grand Seiko đang có hiện giờ.

Cũng may là có vài KOL thực sự đam mê Grand Seiko. Anh bạn streamer nổi tiếng PewDiePie chẳng hạn. Ông bạn này có chiếc SBGH271 mặt xanh rêu tuyệt đẹp, và hiểu rất rõ khả năng của bộ máy 9S Hi-Beat bên trong.

Đây chính là một trong những ví dụ trái ngược hoàn toàn, mô tả những fan trung thành của Grand Seiko. Những thiết kế đỉnh cao của người Nhật Bản hoặc sẽ khiến mọi người nhìn với ánh mắt không mấy ấn tượng, hoặc sẽ thực sự mê đắm chúng, không có góc nhìn nào ở giữa cả.

Nói Grand Seiko kén người đeo không sai, cho dù lý do là tài chính hay lý do là thẩm mỹ. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là cuộc phiêu lưu theo đuổi sự hoàn mỹ của những nghệ nhân ở cả ba studio chế tác của Grand Seiko, là Micro Artist Studio, Shinshu và Shizukuishi, cho tới thời điểm hiện tại, chưa tạo ra bất kỳ sản phẩm nào bị tất cả đánh giá là “làng nhàng”, tầm thường, không có gì ấn tượng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
Tư Vấn Miễn Phí