Phần mềm
CRYO Phone Cooler có đi kèm phần mềm điều khiển trên iOS và Android và sử dụng kết nối Bluetooth. Với phần mềm, chúng ta sẽ cài đặt được thông số như độ C, độ F, điều chỉnh công suất quạt, điều chỉnh các chế độ hiển thị đèn. Sau khi cấp nguồn cho CRYO, chỉ cần mở app lên là sẽ thấy thiết bị.
Giao diện chính, góc trái sẽ có hiển thị nhiệt độ của CRYO, và 5 preset cho các chế độ hoạt động, các bạn có thể tự tuỳ biến được các preset này, góc dưới bên trái có shortcut để bật/tắt và cài đặt thiết bị.
Khi Enter vào cài đặt bên trong chúng ta có thể lựa chọn công suất quạt cố định ở mức Power, Silent, Normal.
Hoặc cũng có thể tự tuỳ biến công suất theo ý muốn ở mục Advanced, công suất có thể thay đổi theo nhiệt độ, khi máy nóng lên quạt sẽ tự động mạnh lên. CRYO Phone Cooler có thể làm được điều này là vì trong thiết bị có cảm biến nhiệt độ, một linh kiện mà không phải chiếc tản nhiệt điện thoại nào cũng được trang bị.
Phần mềm cũng cho phép chúng ta tuỳ biến các chế độ đèn trang trí, ở chế độ mặc định Colorful, thiết bị sẽ tự động đổi màu.
Chế độ Breathing là phát sáng kiểu nhịp thở, hoặc kết hợp cả 2 vừa đổi màu vừa thở chúng ta có Color Breathing. Và option cuối là Static, hiển thị một màu cố định.
Về đèn trang trí trên CRYO Phone Cooler, chúng ta có thể tuỳ chọn vô số màu sắc theo sở thích. Tuy nhiên, mình thấy những màu chính như RBG (Red-Blue-Green) sẽ lên rất rõ và đậm, còn những màu sắc khác phải pha từ 3 màu đó thường sẽ nhạt hơn hoặc không lên được đúng màu cho lắm.
Ví dụ như khi mình để màu cam thì thực tế nhìn bên ngoài vẫn giống màu vàng hơn, nhích lên sắc đỏ một chút thì sẽ lại bị nghiêng sang tông đỏ, rất khó để có màu cam ưng ý. Tương tự màu tím cũng vậy, sẽ không đậm như đỏ và xanh mà sẽ ra màu tím hơi nhợt nhạt.
Hiệu quả tản nhiệt
Để kiểm tra hiệu quả tản nhiệt, mình đã test một vài bài test hiệu nặng với thiết bị iPhone 13 mini của mình sử dụng phần mềm Benchmark Antutu V10 trong nhiều điều kiện sử dụng khác nhau.
Điểm Antutu V10 cho iPhone 13 mini tham khảo trên Website của Antutu là khoảng 1.2 triệu điểm.
Khi mình thực hiện bài test, nhiệt độ ngoài trời là 33°C – Nhiệt độ trong phòng là 28°C.
Test #1: Không bật tản nhiệt – có cắm sạc
Với bài test 1, mình không bật tản nhiệt, chỉ gắn CRYO vào điện thoại để đo nhiệt độ mặt lưng. Đồng thời vừa cắm sạc vừa chạy bài test hiệu năng của Antutu.
- Nhiệt độ trước khi test: 31°C
- Nhiệt độ trong khi test: rất nhanh lên mức 39-40°C và luôn thường trực ở mức nhiệt đó
Điểm Antutu: 1,055,593
Cảm nhận cá nhân: Máy rất nóng, đặc biệt là phần khung viền và khu vực bên cạnh camera. Máy nóng lên khiến hiệu năng giảm khá nhiều.
Test #2: Bật tản nhiệt chế độ Silent – có cắm sạc
Với bài test 2, mình bật tản nhiệt CRYO ở chế độ Silent. Đồng thời vừa cắm sạc vừa chạy bài test hiệu năng của Antutu.
- Nhiệt độ trước khi test: 31°C
- Nhiệt độ trong khi test: phần lớn duy trì ở 31°C, thỉnh thoảng nhảy lên 33°C tầm 15-30 giây
Điểm Antutu: 1,223,189
Cảm nhận cá nhân: Khung viền và phần cạnh camera đã mát hơn hơn nhiều, chỉ có cảm giác ấm ấm chứ không nóng ran.
Test #3: Bật tản nhiệt chế độ Power – có cắm sạc
Với bài test 3, mình bật tản nhiệt ở chế độ Power. Đồng thời vừa cắm sạc vừa chạy bài test hiệu năng của Antutu.
- Nhiệt độ trước khi test: 25°C (vì mới bật Power lên là máy đã hạ nhiệt rất nhanh từ 31°C xuống 25°C)
- Nhiệt độ trong khi test: tăng chậm từ 25°C đến 28°C, sau một nửa bài test lên 31°C và duy trì ở mức đó, thi thoảng nhảy lên 33°C tầm 3-5 giây
Điểm Antutu: 1,247,703
Cảm nhận cá nhân: Tương tự như test #2, khung viền và phần cạnh camera đã mát hơn hơn nhiều, chỉ có cảm giác ấm ấm chứ không nóng ran. Khi test xong cũng rất nhanh nguội về tầm 25 độ, khung viền và mặt lưng mát mẻ. Để thêm tầm 3-5 phút, mình cũng thấy sự mát mẻ đó lan toả đến màn hình.
Test #4 và #5 – Tản nhiệt khi đeo ốp
Mình cũng có thử test thêm cả khả năng tản nhiệt với mọi điều kiện test tương tự 3 bài test trên, tuy nhiên lần này mình không cắm sạc điện thoại nữa mà đeo ốp lưng. Ốp lưng mình sử dụng là Gear4 Denali, cũng là một mẫu ốp lưng khá dày, đồng thời, các hoạ tiết trên ốp cũng làm giảm diện tích tiếp xúc với CRYO Phone Cooler.
Và bên dưới là kết quả, Test #4 là khi không gắn tản nhiệt, Test #5 là khi có gắn tản nhiệt và chạy chế độ Power, mình cũng chạy test #5 ngay sau test #4, không chờ máy nguội mà test luôn lúc máy đang nóng.
Có thể thấy khi máy nóng lên ở Test #4 cũng bị suy giảm hiệu năng nhiều, chỉ đạt 1,088,780 điểm, còn khi được gắn thêm tản nhiệt, dù qua một lớp ốp dày và làm Test #5 ngay sau Test #4, hiệu năng cũng vẫn đã được cải thiện khá nhiều.
Trong điều kiện sử dụng bình thường
Đối với việc vừa sạc vừa dùng những tác vụ cơ bản nhẹ nhàng như lướt Web, Facebook, Shopee, xem Youtube…, nhiệt độ được duy trì khá ổn định như sau:
- Tắt: 36-37°C
- Silent: 25-26°C
- Normal: 22°C
- Power: 20°C
Khi vừa sạc vừa dùng những tác vụ cơ bản, mình thấy chỉ cần dùng chế độ Silent là đã ổn rồi. Dùng Normal hay Power sẽ làm mặt lưng và khung máy khá lạnh còn phần nhiệt toả ra từ CRYO lại khá nóng.
Ngoài ra, mình cũng có đo thử với điện đầu vào PD 20W, CRYO Phone Cooler vẫn có thể cho ra dòng sạc điện thoại 15W, tức là chỉ tiêu tốn tầm 5W cho việc hoạt động của quạt và với mức sạc 15W vẫn đảm bảo sạc được điện thoại với tốc độ tốt.
Nếu chỉ bật CRYO lên và không gắn vào điện thoại, với nhiệt độ môi trường 28°C, nhiệt độ của CRYO sẽ là:
- Silent: 16°C
- Normal: 10°C
- Power: 10°C
Có thể thấy, nhiệt độ không tải của CRYO Phone Cooler sẽ không lạnh sâu như các sản phẩm khác đang có trên thị trường. Tuy nhiên, quan điểm của mình: không phải càng lạnh là càng tốt.
Theo nhiều tài liệu của các hãng sản xuất điện thoại (Apple, Samsung, Xiaomi), nhiệt độ tối ưu của môi trường để sử dụng là khoảng 0°C-35°C-40°C. Ngoài ra, nhiệt độ hoạt động tối ưu của pin li-ion nói chung cũng là từ 15-35°C, ngoài ngưỡng nhiệt này, công suất nạp và xả của pin cũng sẽ bị suy giảm (ResearchGate).
Nhiệt độ hoạt động tối ưu của pin Li-ion. Nguồn ảnh: ReasearchGate
Mình nghĩ đó là lý do vì sao Cooler Master tinh chỉnh và giới hạn nhiệt độ của CRYO ở ngưỡng khoảng 10°C, khi tản nhiệt cho điện thoại đang nóng sẽ rơi vào tầm 25-33°C, một ngưỡng phù hợp để vừa có hiệu năng và thời lượng pin tốt cũng như không làm ảnh hưởng đến hoạt động của linh kiện bên trong.
Mức độ ồn
Âm lượng khi hoạt động cũng là một yếu tố mà thường phải những sản phẩm chỉn chu mới được để ý đến. Khi ở chế độ Silent, quạt của CRYO quay khá yên tĩnh và gần như không nghe thấy tiếng, chỉ khi đặt sát lên tai mới nghe được tiếng quạt. Chế độ Normal và Power cũng chỉ phát ra tiếng rất nhẹ nhàng êm ái, không gây khó chịu.
Mình cũng có đo độ ồn ở khoảng cách rất gần (5cm) để có con số tham khảo chính xác xem quạt tản nhiệt của CRYO “ồn” đến mức nào, chứ không chỉ cảm nhận sương sương được, kết quả như hình bên dưới:
Trong điều kiện sử dụng bình thường, điện thoại sẽ cách tai chúng ta khoảng 30cm, độ ồn của CRYO Phone Cooler cũng chỉ cao nhất là 49-50dB ở chế độ Power. Nhìn chung, mình không thấy phiền chút nào với tiếng ồn phát ra từ CRYO Phone Cooler kể cả khi đang chạy mức công suất cao nhất.
Cảm giác cầm nắm và quay phim với CRYO Phone Cooler
Vì mình dùng điện thoại hơi nhỏ, nên khi sử dụng điện thoại mà gắn thêm cục tản nhiệt thì tổng thể sẽ hơi to và hơi thiếu điểm tựa. CRYO cũng được thiết kế để sử dụng với tư thế máy nằm ngang nên nếu cầm theo chiều dọc thì ngón tay cũng sẽ phải hứng hơi nhiều hơi nóng toả ra. Còn khi sử dụng chiều ngang thì mọi thứ sẽ rất ổn.
Khi quay phim, 13 mini vẫn có thể gắn vừa cả CRYO Phone Cooler cũng như là gắn ngàm kẹp giữ điện thoại của tripod. Đương nhiên là nếu kẹp như vậy thì máy sẽ hơi nặng về phía bên phải đôi chút, mình sẽ cần điều chỉnh tripod cho cân đối khi quay chụp.
Các bạn dùng máy to hơn sẽ không phải quá lo lắng về chuyện kẹp giữ máy lúc quay phim chụp ảnh vì sẽ có nhiều diện tích để kẹp điện thoại hơn mình.
Một điểm cộng rất rất lớn đó là dù CRYO Phone Cooler được đặt sát với camera, nhưng kể cả khi mình sử dụng camera góc rộng 0.5x cũng không hề bị dính CRYO vào khung hình, +1 điểm cho thiết kế tinh tế.
Kết luận
CRYO Phone Cooler là một sản phẩm được thiết kế và hoàn thiện chỉn chu, được tinh chỉnh ngon về cả phần cứng lẫn phần mềm, giúp điện thoại được tản nhiệt tốt để giữ vững hiệu năng đỉnh của máy.
Mặc dù mức giá bán tham khảo tại các đại lý là khoảng 680,000đ có phần nhỉnh hơn những mẫu tản nhiệt có trên thị trường, nhưng mình đánh giá chất lượng của CRYO Phone Cooler cao hơn hẳn, có thêm nhiều tính năng hữu ích như cảm biến nhiệt độ, điều khiển qua app và là sản phẩm của một thương hiệu uy tín lâu năm được tinh chỉnh cẩn thận cả về nhiệt độ lẫn mức độ yên tĩnh.
CRYO Phone Cooler sẽ là một sản phẩm phù hợp với những bạn dùng nhiều tác vụ nặng trên điện thoại đặc biệt là đối với một mùa hè sắp tới, như chơi game, quay và edit video thời gian dài, hay thậm chí là lướt Shopee vài tiếng (app Shopee làm máy nóng điên lên được).
Bài review chi tiết tản nhiệt điện thoại CRYO Phone Cooler của Cooler Master xin được kết thúc tại đây, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của Ngon Bổ Xẻ trên Tinh Tế, mình cũng có Website, Facebook, Telegram, YouTube và Group chia sẻ deal hời.