Ngoài ra, mình cảm thấy hài lòng về trải nghiệm cầm nắm và sử dụng Xiaomi 13T Pro bởi mặt lưng của sản phẩm được làm cong ở hai cạnh trái và phải tạo cảm giác cầm ôm tay, không bị cấn ở lòng bàn tay.
Mình đánh giá cao trải nghiệm cầm nắm mà Xiaomi 13T Pro mang lại.
Tuy nhiên, có một yếu tố trong thiết kế của Xiaomi 13T Pro lại vô tình ảnh hưởng đến trải nghiệm cầm nắm của mình mỗi khi mình chơi game hoặc xem video trên thiết bị. Cụ thể như mình đã từng chia sẻ trong bài đánh giá hiệu năng Xiaomi 13T Pro, phần khung camera của máy được làm lồi với kích thước lớn nên ngón tay giữa của mình thường chạm vào khu vực này và gây ra tình trạng bám dấu vân tay trên ống kính camera (mỗi lần chơi game, xem video xong thì mình thường phải vệ sinh lại). Tình trạng trên được tạm thời khắc phục khi mình sử dụng máy với ốp lưng.
Mình cũng hy vọng rằng thế hệ kế nhiệm của Xiaomi 13T Pro (rất có thể là Xiaomi 14T Pro) sẽ có thiết kế cụm camera tối giản hơn với các ống kính làm nổi lên trực tiếp từ mặt lưng thay vì đặt trong phần khung bao quanh.
Ngón tay giữa của mình thường xuyên chạm vào khu vực camera sau của Xiaomi 13T Pro khi mình xoay ngang điện thoại để chơi game, xem phim.
Mặt trước của Xiaomi 13T Pro tiếp tục sử dụng kiểu màn hình đục lỗ với các phần viền xung quanh có độ dày đồng đều (ngoại trừ cạnh viền dưới) và kích thước 6.2 inch tương tự Xiaomi 12T Pro. Các thông số còn lại của Xiaomi 13T Pro như tấm nền AMOLED, độ phân giải FHD+ (12.20 x 2.712 pixels) gần như không khác biệt so với thế hệ trước (ngoại trừ tần số quét màn hình của Xiaomi 13T Pro cao hơn Xiaomi 12T Pro, cụ thể là 144 Hz so với 120 Hz).
Xiaomi 13T Pro sở hữu màn hình kích thước 6.67 inch với tấm nền AMOLED cùng độ phân giải FHD+.
Các phần viền xung quanh màn hình của Xiaomi 13T Pro có độ dày đồng đều (ngoại trừ phần viền màn hình bên dưới).
Theo những trải nghiệm thực tế từ mình, màn hình của Xiaomi 13T Pro có chất lượng hiển thị đẹp, chi tiết được tái hiện rõ rằng, độ sáng tốt và màu sắc hài hòa. Vì vậy, mình cảm thấy hài lòng khi thực hiện những tác vụ giải trí, xem video, chơi game trên Xiaomi 13T Pro.
Mình cảm thấy hài lòng về trải nghiệm xem video và chơi game trên màn hình của Xiaomi 13T Pro.
Mình cũng đánh giá cao cảm biến vân tay dưới màn hình của Xiaomi 13T Pro cho tốc độ nhận diện nhanh và chính xác.
Ngoài ra, mình cũng sử dụng thêm hai phương thức khác để mở khóa Xiaomi 13T Pro đó là nhận diện gương mặt để phòng trường hợp ngón tay của mình bị ướt và không thể sử dụng cảm biến vân tay.
Không những vậy, mình còn sử dụng thêm cách thức mở khóa điện thoại bằng việc kết nối Bluetooth với thiết bị đeo của Xiaomi (mình sử dụng Xiaomi Smart Band 8). Tuy cách này tiện nhưng mức độ rủi ro bảo mật cao bởi vì người thân, bạn bè của mình cũng có thể mở khóa thiết bị mỗi khi mình đang ở gần họ.
Đánh giá hiệu năng
Bên cạnh thiết kế thì mình nhận thấy hiệu năng cũng là điểm nổi bật của Xiaomi 13T Pro ở thời điểm hiện tại với chip xử lý MediaTek Dimensity 9200+. Để đánh giá hiệu năng Xiaomi 13T Pro thì mình đã thực hiện hai phần bao gồm:
- Chấm điểm bằng phần mềm chuyên dụng.
- Trải nghiệm chơi game thực tế trên thiết bị.
Để có thể đánh giá hiệu năng Xiaomi 13T Pro, mình đã thực hiện hai chuyên mục bao gồm chấm điểm hiệu năng và trải nghiệm chơi game thực tế trên thiết bị.
Trước khi bắt đầu, mình sẽ điểm qua nhanh thông số cấu hình Xiaomi 13T Pro dựa trên công bố từ trang chủ của Xiaomi:
- Màn hình: Kích thước 6.67 inch, tấm nền AMOLED, độ phân giải FHD+ (2.712 x 1.220 pixels), tần số quét 144 Hz.
- CPU: MediaTek Dimensity 9200+.
- GPU: Arm Immortalis-G715.
- RAM: 12 GB, hỗ trợ tính năng mở rộng RAM ảo thêm tối đa 12 GB (phiên bản mình sử dụng đã bật mở rộng RAM ảo 12 GB).
- Bộ nhớ trong: 256 GB/512 GB (phiên bản mình sử dụng có bộ nhớ trong 512 GB).
- Pin: 5.000 mAh, hỗ trợ sạc nhanh 120 W.
- Hệ điều hành: Xiaomi HyperOS – Android 14.
Xiaomi 13T Pro được trang bị chip xử lý MediaTek Dimensity 9200+.
Mình đã bật tính năng mở rộng RAM ảo thêm tối đa là 12 GB trên Xiaomi 13T Pro.
Chấm điểm hiệu năng
Ở phần này, mình sử dụng các phần mềm chấm điểm chuyên dụng như: GeekBench 6, PCMark, AnTuTu Benchmark và 3DMark. Điều kiện để mình chấm điểm hiệu năng Xiaomi 13T Pro cụ thể như sau:
- Pin của máy phải từ 90 – 100% (pin dưới 90% sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của máy và kết quả).
- Không vừa sạc pin vừa chấm điểm.
- Chấm 3 lần liên tục và lấy kết quả trung bình sau 3 lần chấm.
Đây là 4 phần mềm chấm điểm chuyên dụng mà mình dùng để đánh giá hiệu năng Xiaomi 13T Pro.
Kết quả mình thu được như sau:
GeekBench 6 (chấm điểm về CPU và GPU):
- Đơn nhân/đa nhân: 1.272 điểm/3.387 điểm.
- GPU Compute OpenCL: 7.665 điểm.
- GPU Compute Vulkan: 8.297 điểm.
Điểm GeekBench 6 của Xiaomi 13T Pro.
PCMark (chấm điểm về CPU): 14.922 điểm.
AnTuTu Benchmark (chấm tổng điểm CPU và GPU): 1.483.397 điểm.
Điểm PCMark (bên trái) và AnTuTu Benchmark (bên phải) của Xiaomi 13T Pro.
3DMark Wild Life Extreme (chấm điểm về GPU):
- Điểm tổng: 3.320 điểm.
- FPS trung bình: 19.89.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 1% (từ 99% xuống 98%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 1 độ C (từ 43 độ C lên 44 độ C).
Điểm 3DMark Wild Life Extreme của Xiaomi 13T Pro.
3DMark Solar Bay (chấm điểm về GPU):
- Điểm tổng: 5.581 điểm.
- FPS trung bình: 21.22.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giữ nguyên mức 99%.
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 1 độ C (từ 42 độ C lên 43 độ C).
Điểm 3DMark Solar Bay của Xiaomi 13T Pro.
3DMark Steel Nomad Light (chấm điểm về GPU):
- Điểm tổng: 1.353 điểm.
- FPS trung bình: 10.03.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 1% pin (từ 100% xuống 99%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 2 độ C (từ 39 độ C lên 41 độ C).
Điểm 3DMark Steel Nomad Light của Xiaomi 13T Pro.
3DMark Wild Life Extreme Stress Test (chấm điểm về GPU):
- Mức độ ổn định: 94.2%.
- Số điểm vòng lặp cao nhất: 3.234 điểm.
- Số điểm vòng lặp thấp nhất: 3.048 điểm.
- Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 186 điểm.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 11% (từ 100% xuống 89%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 15 độ C (từ 33 độ C lên 48 độ C).
Điểm 3DMark Wild Life Extreme Stress Test của Xiaomi 13T Pro.
3DMark Solar Bay Stress Test (chấm điểm về GPU):
- Mức độ ổn định: 90.6%.
- Số điểm vòng lặp cao nhất: 5.540 điểm.
- Số điểm vòng lặp thấp nhất: 5.019 điểm.
- Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 521 điểm.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 11% (từ 100% xuống 89%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 14 độ C (từ 35 độ C lên 49 độ C).
Điểm 3DMark Solar Bay Stress Test của Xiaomi 13T Pro.
3DMark Steel Nomad Light Stress Test (chấm điểm về GPU):
- Mức độ ổn định: 88.7%.
- Số điểm vòng lặp cao nhất: 1.386 điểm.
- Số điểm vòng lặp thấp nhất: 1.229 điểm.
- Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 157 điểm.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 11% (từ 100% xuống 89%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 14 độ C (từ 34 độ C lên 48 độ C).
Điểm 3DMark Steel Nomad Light Stress Test của Xiaomi 13T Pro.
Trải nghiệm chơi game thực tế
Để kiểm chứng khả năng chiến game thực tế của Xiaomi 13T Pro, mình đã tải 5 trò chơi về máy bao gồm:
- Liên Quân Mobile.
- Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.
- PUBG Mobile.
- Honkai: Star Rail.
- Genshin Impact.
Đây là 5 tựa game mà mình sử dụng để trải nghiệm chơi game thực tế trên Xiaomi 13T Pro.
Điều kiện trải nghiệm game thực tế trên Xiaomi 13T Pro cụ thể như sau:
- Sử dụng phần mềm Perfdog để đo dữ liệu FPS cho từng tựa game.
- Thiết lập đồ họa trong game ở mức tối đa mà máy có thể hỗ trợ.
- Đã bật “Chế độ Hiệu suất” trong phần cài đặt pin thiết bị và kích hoạt chế độ Game Turbo.
Mình đã bật Chế độ Hiệu suất trong phần cài đặt pin của Xiaomi 13T Pro.
Bên cạnh đó, mình cũng kích hoạt chế độ Hiệu suất trong công cụ Game Turbo.
- Nhiệt độ phòng bình thường không bật điều hòa (khoảng 28 – 30 độ C).
- Độ sáng màn hình 100%, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng.
- Tần số quét màn hình được thiết lập: “Lên đến 144 Hz”.
- Âm lượng loa ngoài 50%.
Mình đã thiết lập tần số quét màn hình của Xiaomi 13T Pro ở mức “Lên đến 144 Hz”.
Liên Quân Mobile
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Liên Quân Mobile.
Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.
PUBG Mobile
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong PUBG Mobile.
Honkai: Star Rail
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Honkai: Star Rail.
Genshin Impact
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Genshin Impact.
Dưới đây là bảng kết quả đo FPS của các tựa game mà mình đã chơi thực tế trên Xiaomi 13T Pro.
Đây là bảng tổng hợp FPS của 5 tựa game mình đã chơi trên Xiaomi 13T Pro.
Như vậy, chúng ta có thể thấy LMHT: Tốc Chiến mang lại trải nghiệm tốt nhất với FPS trung bình là 120.4. Mình cũng nhận thấy trải nghiệm ở hai tựa game Liên Quân Mobile, Genshin Impact cũng rất tốt với tốc độ khung hình trung bình lần lượt là 60.4 FPS và 60.0 FPS.
Mình cảm thấy hài lòng về trải nghiệm chơi Liên Quân Mobile trên Xiaomi 13T Pro với FPS trung bình là 60.4.
Bất ngờ hơn là khi mình chơi Genshin Impact trên Xiaomi 13T Pro trong thời gian dài, máy không gặp tình trạng giật khựng.
Đối với tựa game Honkai: Star Rail, Xiaomi 13T Pro đạt được FPS trung bình là 57.4. Mặc dù con số này không hề tệ nhưng trong quá trình trải nghiệm tựa game trên với thời gian dài, mình nhận thấy máy gặp tình trạng giật, khựng nhẹ ở một số phân cảnh khi nhân vật thực hiện các chiêu thức. Điều này được thể hiện qua đường màu hồng biến động liên tục trong biểu đồ FPS.
Khi chơi Honkai: Star Rail trên Xiaomi 13T Pro, mình nhận thấy máy thường gặp tình trạng giật khựng nhẹ khi nhân vật thực hiện các chiêu thức.
Riêng tựa game PUBG Mobile, Xiaomi 13T Pro cho ra FPS trung bình thấp nhất là 39.6. Điều này là hợp lý bởi thiết lập Đồ họa trong game được mình chỉnh ở mức UltraHDR (ưu tiên chất lượng hình ảnh, chi tiết) và Tốc Độ Khung Hình ở mức Cực cao (tương đương với 40 FPS).
Nếu các bạn muốn tối ưu tối đa FPS khi chơi PUBG Mobile trên Xiaomi 13T Pro, mình đề xuất các bạn có thể giảm thiết lập Đồ họa xuống mức Mượt và đẩy Tốc Độ Khung Hình trong game lên mức Giới Hạn+ (tương đương với 90 FPS).
Nếu các bạn muốn bắn PUBG Mobile với 90 FPS trên Xiaomi 13T Pro, bạn hãy chỉnh thiết lập đồ họa game như trong hình này nha.
Mình đã thử đo FPS khi chơi PUBG Mobile với thiết lập đồ họa trên, Xiaomi 13T Pro lúc này đạt được tốc độ khung hình trung bình là 89.0, cao hơn nhiều so với con số 39.6 mà mình đo được lúc đầu. Trong quá trình chơi, mình nhận thấy những pha ngắm bắn, di chuyển trong game đều trở nên mượt mà hơn. Mặc dù vậy, chất lượng hình ảnh, chi tiết trong game không còn đẹp như ở mức UltraHDR.
So sánh bảng FPS của PUBG Mobile khi mình thiết lập đồ họa Ultra HDR, FPS Cực cao (bên trên) và khi mình thiết lập đồ họa Mượt, FPS Giới Hạn+ (bên dưới).
Trải nghiệm phần mềm
Vào thời điểm Xiaomi 13T Pro ra mắt (tháng 9/2023), máy được cài đặt mặc định giao diện MIUI 14 và Xiaomi đã hứa hẹn về việc cập nhật Xiaomi HyperOS cho thiết bị trong quý 1/2024. Đúng như những gì mà Xiaomi cam kết, Xiaomi 13T Pro của mình hiện đã được cập nhật Xiaomi HyperOS với nhiều thay đổi thú vị về mặt giao diện người dùng chẳng hạn như: Khu vực trung tâm điều khiển, các ứng dụng hệ thống (thời tiết, máy tính,…), thanh thông báo, giao diện cài đặt, phông chữ MiSans mới,… Tất cả những thay đổi này có một số điểm gần tương đồng khi mình thực hiện bài đánh giá Xiaomi Redmi Note 13 cập nhật Xiaomi HyperOS (các bạn có thể đọc qua và tham khảo thêm nhé).
Bản cập nhật Xiaomi HyperOS đã mang lại nhiều thay đổi đáng chú ý cho Xiaomi 13T Pro.
Một yếu tố khác liên quan đến phần mềm mà mình đánh giá cao ở Xiaomi 13T Pro chính là việc máy nằm trong danh sách cập nhật Xiaomi HyperOS 2.0 chính thức (dựa trên Android 15 mới nhất của Google). Như vậy, đây là bản cập nhật lớn tiếp theo mà Xiaomi 13T Pro nhận được sau phiên bản Xiaomi HyperOS (dựa trên Android 14) vào đầu năm 2024. Điều này cho thấy những nỗ lực của Xiaomi trong việc giữ cam kết hỗ trợ cập nhật 4 phiên bản hệ điều hành Android lớn và 5 năm cập nhật các bản vá bảo mật cho sản phẩm của họ (ông Daniel Desjarlais – Giám đốc Truyền thông của Xiaomi đã từng đưa ra công bố về chính sách hỗ trợ cập nhật phần mềm cho Xiaomi 13T Series vào tháng 9/2024). Mình cũng tin rằng những yếu tố trên sẽ khiến nhiều người dùng cảm thấy yên tâm khi sử dụng Xiaomi 13T Pro trong thời gian dài.
Xiaomi 13T Pro trong tương lai sẽ được cập nhật Xiaomi HyperOS 2.0 (dựa trên Android 15). Nguồn: Xiaomi.
Đây là bài đăng của Giám đốc Truyền thông Xiaomi về việc hỗ trợ cập nhật phần mềm cho Xiaomi 13T Series.
Tuy nhiên, không có điều gì là hoàn hảo và giao diện Xiaomi HyperOS trên Xiaomi 13T Pro cũng không ngoại lệ. Xuyên suốt quá trình sử dụng Xiaomi 13T Pro với giao diện Xiaomi HyperOS, lỗi mà mình thường xuyên gặp nhất chính là việc trễ thông báo tin nhắn Messenger. Mình đã dùng một số thủ thuật để cải thiện tình trạng trên chẳng hạn như cho phép ứng dụng Tự khởi chạy nền và thiết lập Không hạn chế trong Cài đặt nền của ứng dụng. Thế nhưng, mọi chuyện vẫn không khá khẩm hơn và Xiaomi 13T Pro của mình ở thời điểm hiện tại vẫn bị lỗi chậm thông báo Messenger (các bạn nào đang dùng Xiaomi 13T Pro hoặc các thiết bị Xiaomi khác gặp tình trạng trên thì hãy chia sẻ thêm một số phương pháp khắc phục để mình được biết nhé).
Xiaomi 13T Pro của mình hiện vẫn đang gặp lỗi chậm thông báo ứng dụng Messenger (ảnh minh họa).
Dù mình đã cho phép ứng dụng Messenger Tự khởi chạy nền.
Cũng như thiết lập Không hạn chế trong Cài đặt nền của ứng dụng Messenger.
Đây cũng là một lỗi thông báo khác mà Xiaomi 13T Pro chạy Xiaomi HyperOS gặp phải. Cụ thể là không hiển thị biểu tượng ứng dụng ngân hàng MB Bank khi mình mở rộng phần thông báo biến động số dư.
Còn đây là lỗi thanh thông báo bị mờ, không hiển thị rõ ràng trên Xiaomi 13T Pro chạy Xiaomi HyperOS.
Bên cạnh đó, Xiaomi 13T Pro của mình cũng đang gặp lỗi không hiển thị mục tùy chọn bong bóng chat trong phần cài đặt trò chuyện của Messenger. Cụ thể ở hình ảnh dưới đây, Xiaomi 13T Pro chạy HyperOS vẫn hiển thị bong bóng chat Messenger bình thường.
Ở tấm ảnh này, bong bóng chat Messenger vẫn hiển thị bình thường trên Xiaomi 13T Pro chạy Xiaomi HyperOS.
Sau khi mình thử đóng phần bong bóng chat, tắt ứng dụng Messenger trong đa nhiệm và mở lại ứng dụng, mình lại không thể tìm thấy tùy chọn mở bong bóng chat (Open chat head) trong phần cài đặt cuộc trò chuyện của Messenger. Đồng thời, thông báo tin nhắn đến cũng không hiển thị dưới dạng bong bóng Điều này rất bất tiện bởi vì mình phải vào trong ứng dụng Messenger để trả lời mỗi khi có tin nhắn đến. Mặc dù mình đã thử những cách như gỡ bỏ và cài đặt lại ứng dụng, khởi động lại điện thoại nhưng lỗi trên vẫn không được khắc phục.
Sau khi đóng bong bóng chat và tắt ứng dụng Messenger trong mục đa nhiệm, mình đã không thể mở lại bong bóng chat.
Mình đã cấp quyền mọi thông báo trong cài đặt Messenger (bên trên), đồng thời cho phép ứng dụng Hiện trên các ứng dụng khác (bên dưới).
Cách khắc phục duy nhất mà mình có thể nghĩ ra chính là sử dụng tính năng Thanh bên để mở nhanh ứng dụng dưới dạng pop-up xem như là một “bong bóng chat” tạm thời.
Mình nghĩ rằng những lỗi chậm thông báo, không hiển thị bong bóng chat cũng có thể đến từ ứng dụng Messenger nhưng điều đó không có nghĩa rằng Xiaomi để tình trạng trên tiếp diễn (đặc biệt là khi hãng đã công bố Xiaomi HyperOS kể từ tháng 10/2023 và triển khai cho phần lớn smartphone của hãng ở thời điểm hiện tại). Vì vậy, mình mong rằng Xiaomi sẽ tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất hoặc ít nhất thì hãng nên phát triển và tối ưu tốt nhất cho bản cập nhật Xiaomi HyperOS 2.0 sắp tới, tránh gặp một số lỗi vặt giống như phiên bản đầu tiên.
Thời lượng sử dụng pin
Mình tin rằng thời lượng sử dụng pin của Xiaomi 13T Pro cũng là yếu tố được nhiều bạn đọc quan tâm. Vì vậy, mình đã thực hiện đánh giá pin của máy qua hai quy trình bao gồm:
- Đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%).
- Đo thời gian sạc đầy pin của máy (từ 0% lên 100%).
Để đánh giá pin của Xiaomi 13T Pro, mình đã thực hiện hai phần gồm đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%) và đo thời gian sạc đầy pin của máy (từ 0% đến 100%).
Đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%)
Bên dưới đây là các điều kiện trong bài đánh giá pin Xiaomi 13T Pro:
- Trải nghiệm 4 tác vụ xoay vòng:
- Chơi Liên Quân (thiết lập đồ họa ở mức tối đa tương tự phần trải nghiệm chơi game thực tế bên trên).
- Xem video trên YouTube.
- Lướt ứng dụng Facebook.
- Xem video trên TikTok.
- Mỗi tác vụ sử dụng 1 tiếng đồng hồ.
- Xoay vòng các tác vụ từ 100% xuống 0%.
- Máy chỉ sử dụng 1 tác vụ và không có ứng dụng đa nhiệm chạy nền.
- Máy có lắp SIM và kết nối mạng nhưng chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi xuyên suốt bài đánh giá.
- Độ sáng màn hình 100%, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng.
- Tần số quét màn hình được thiết lập: “Lên đến 144 Hz” (tương tự phần trải nghiệm chơi game thực tế bên trên).
- Âm lượng loa ngoài 50%.
- Không bật tiết kiệm pin, GPS và Bluetooth.
Kết quả mình thu được như hình ảnh bên dưới, viên pin 5.000 mAh của Xiaomi 13T Pro có thể hoạt động liên tục 8 tiếng 33 phút cho 4 tác vụ xoay vòng.
Bảng đo chi tiết thời lượng sử dụng pin của Xiaomi 13T Pro theo từng tác vụ.
Như vậy với 100% pin trên Xiaomi 13T Pro và theo những tiêu chuẩn trong bài đánh giá pin, ngay bên dưới đây sẽ là thời lượng mà bạn có thể sử dụng từng tác vụ.
Đo thời gian sạc đầy pin (từ 0% lên 100%)
Để đo thời gian sạc đầy pin của Xiaomi 13T Pro (sạc từ 0% lên 100%), mình đã sử dụng dây sạc và củ sạc 120 W chính hãng Xiaomi trong hộp sản phẩm. Bên cạnh đó, mình cũng dùng cáp sạc Ugreen và củ sạc Ugreen 100 W để xem liệu bộ phụ kiện này có thể kích hoạt công nghệ sạc nhanh trên Xiaomi 13T Pro không.
Đây là dây sạc và củ sạc 120 W chính hãng Xiaomi được tặng kèm trong hộp Xiaomi 13T Pro.
Còn đây là cáp sạc Ugreen và củ sạc Ugreen 100 W mà mình sử dụng để đo thời gian sạc đầy pin Xiaomi 13T Pro.
Bên dưới đây là các điều kiện trong bài đo thời gian sạc đầy pin Xiaomi 13T Pro:
- Máy đã mở nguồn.
- Máy có lắp SIM và kết nối mạng nhưng chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi xuyên suốt bài đánh giá.
- Máy kết nối mạng và nhận thông báo bình thường.
- Sạc xuyên suốt từ 0% lên 100% và không sử dụng máy trong quá trình sạc.
- Đã tắt tính năng “Sạc tối ưu” và chuyển sang chế độ “Sạc thường xuyên” để ưu tiên việc sạc đầy pin máy lên mức 100%.
- Đã bật tính năng “Tăng tốc độ sạc” trong phần cài đặt sạc của máy.
Mình đã tắt tính năng Sạc tối ưu để ưu tiên việc sạc đầy pin Xiaomi 13T Pro lên mức 100%.
Bên cạnh đó, mình cũng bật tính năng “Tăng tốc độ sạc” trong phần cài đặt sạc pin của điện thoại.
Kết quả là mình chỉ mất 41 phút để có thể sạc đầy viên pin 5.000 mAh của Xiaomi 13T Pro (sạc từ 0% lên 100%) với cáp sạc và củ sạc nhanh Xiaomi 120 W bên trong hộp máy. Trong trường hợp mình sử dụng dây sạc Ugreen và củ sạc Ugreen 100 W, mình phải chờ 1 tiếng 39 phút để sạc đầy pin của Xiaomi 13T Pro.
So sánh thời gian để sạc đầy pin (từ 0% lên 100%) của Xiaomi 13T Pro khi sử dụng củ sạc 120 W chính hãng Xiaomi (bên trái) và củ sạc Ugreen 100 W (bên phải).
Chất lượng ảnh chụp, giao diện camera
Như mình đã đề cập ở đầu bài viết, Xiaomi 13T Pro là thiết bị thuộc dòng Xiaomi T Series đầu tiên được tích hợp những công nghệ chụp ảnh từ Leica, điều mà Xiaomi 12T Pro không hề có. Mình nghĩ rằng chính sự kết hợp với Leica đã phần nào giúp cho những sản phẩm cận cao cấp và flagship của Xiaomi gây được nhiều ấn tượng với người dùng về yếu tố nhiếp ảnh. Trước khi đi vào chi tiết chất lượng ảnh chụp của Xiaomi 13T Pro, mình sẽ điểm nhanh thông số camera thiết bị:
- Camera chính: Sử dụng ống kính Vario-Summicron đồng chế tác cùng Leica, cảm biến Sony IMX707, độ phân giải 50 MP, khẩu độ f/1.9, hỗ trợ chống rung quang học OIS.
- Camera tele: Cảm biến OmniVision OV50D, độ phân giải 50 MP, khẩu độ f/1.9, hỗ trợ zoom quang học 2x.
- Camera góc siêu rộng: Độ phân giải 12 MP, khẩu độ f/2.2.
Xiaomi 13T Pro sở hữu hệ thống 3 camera với cảm biến chính là Sony IMX707, độ phân giải 50 MP và sử dụng ống kính Vario-Summicron đồng chế tác cùng Leica.
Như ở phần thông số trên mình đã liệt kê, Xiaomi 13T Pro sở hữu camera chính 50 MP với ống kính Vario-Summicron đồng chế tác cùng Leica và kết hợp hai bộ filter đặc trưng Leica Chân thực cũng như Leica Rực rõ (vốn đã xuất hiện kể từ dòng Xiaomi 13 Series ra mắt vào cuối năm 2022). Trong đó, bản thân mình ưa chuộng bộ lọc màu Leica Rực rỡ hơn vì màu sắc ảnh tươi tắn hơn so với Leica Chân thực.
Camera của Xiaomi 13T Pro được tích hợp hai bộ lọc màu là Leica Rực rỡ và Leica Chân thực.
So sánh ảnh chụp mức zoom 1x ở bộ lọc màu Leica Rực rỡ (bên trái) và Leica Chân thực (bên phải).
So sánh ảnh chụp mức zoom 2x ở bộ lọc màu Leica Rực rỡ (bên trái) và Leica Chân thực (bên phải).
Dựa trên trải nghiệm thực tế, mình nhận thấy camera của Xiaomi 13T Pro có khả năng chụp tốt ở nhiều điều kiện môi trường, trong đó máy sẽ cho ra chất lượng ảnh chụp tốt nhất trong môi trường đủ sáng.
Theo thứ tự từ trái qua phải, so sánh ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 0.6x, 1x và 2x.
Ngoài ra, Xiaomi 13T Pro cũng có thêm chế độ chụp độ phân giải cao là 50 MP. Mình thường sử dụng chế độ này khi muốn ưu tiên về mức độ chi tiết trong bức ảnh. Tiếc là chế độ chụp 50 MP trên Xiaomi 13T Pro chỉ có tiêu cự mặc định là 24 mm và không hỗ trợ điều chỉnh các mức tiêu cự khác (hoặc là mức zoom) để mình có thể khóa bố cục cho bức ảnh.
Đây là chế độ chụp ảnh 50 MP của Xiaomi 13T Pro.
So sánh ảnh chụp mức zoom 1x trong điều kiện đủ sáng ở chế độ Tự động (bên trái) và 50 MP (bên phải).
Thông tin ảnh được chụp ở mức zoom 1x trong điều kiện đủ sáng ở chế độ Tự động (bên trái) và 50 MP (bên phải).
Nhắc về việc khóa bố cục, mình cũng thường sử dụng camera tele 50 MP với khả năng zoom quang học 2x của Xiaomi 13T Pro để có được kết quả tốt nhất khi chụp ảnh chân dung.
Ảnh chụp chân dung trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 2x.
Ảnh chụp chân dung trong điều kiện ánh sáng trong nhà ở mức zoom 2x.
Bên cạnh đó, máy cũng hỗ trợ tính năng Hệ thống Master-lens để mô phỏng các ống kính với đa dạng tiêu cự (Mặc định, 35 mm Phim tài liệu, 50 mm Swirly bokeh và 90 mm Lấy nét mềm) khi chúng ta chụp ảnh ở chế độ chân dung xóa phông (mình thường ưu tiên sử dụng 2 mức tiêu cự là 50 mm và 90 mm).
Các ống kính mô phỏng tiêu cự trong tính năng Hệ thống Master-lens ở chế độ chụp Chân dung trên Xiaomi 13T Pro.
Ảnh chụp chân dung xóa phông với ống kính tiêu cự 35 mm Phim tài liệu.
Ảnh chụp chân dung xóa phông với ống kính tiêu cự 50 mm Swirly bokeh.
Ảnh chụp chân dung xóa phông với ống kính tiêu cự 90 mm Lấy nét mềm.
Ảnh chụp chân dung xóa phông với ống kính tiêu cự 90 mm Lấy nét mềm.
Trong trường hợp mình sử dụng Xiaomi 13T Pro để chụp ảnh thiếu sáng, máy vẫn cho ra những bức ảnh với chất lượng tương đối tốt và hiện tượng nhòe ảnh được hạn chế phần nào nhờ vào công nghệ chống rung quang học OIS.
Ảnh chụp trong điều kiện hoàng hôn ở chế độ Tự động với mức zoom 1x.
Ảnh chụp trong điều kiện hoàng hôn ở chế độ Tự động với mức zoom 2x.
Ngoài ra, Xiaomi 13T Pro cũng có tính năng chụp Ban đêm và mình đã thử sử dụng chế độ này để so sánh chất lượng ảnh chụp với chế độ chụp tự động.
So sánh ảnh chụp mức zoom 1x trong điều kiện thiếu sáng ở chế độ Tự động (bên trái) và chế độ Ban đêm (bên phải).
So sánh ảnh chụp mức zoom 1x trong điều kiện thiếu sáng ở chế độ Tự động (bên trái) và chế độ Ban đêm (bên phải).
So sánh ảnh chụp mức zoom 2x trong điều kiện thiếu sáng ở chế độ Tự động (bên trái) và chế độ Ban đêm (bên phải).
Bên cạnh đó, mình nhận thấy Xiaomi 13T Pro còn có chế độ Phơi sáng lâu với nhiều hiệu ứng chụp khác nhau để chúng ta có thể sáng tạo ra nhiều kiểu ảnh thú vị hơn bao gồm: Đám đông di chuyển, Neon trails, Tranh sơn dầu, Bức tranh ánh sáng, Bầu trời sao và Sao rơi.
Các hiệu ứng trong chế độ Phơi sáng lâu của ứng dụng camera Xiaomi 13T Pro.
Đây là một bức ảnh chụp ở chế độ Phơi sáng lâu với hiệu ứng Neon trails.
Nhìn chung, giao diện camera của Xiaomi 13T Pro không chỉ hỗ trợ đa dạng tính năng chụp ảnh, quay video mà còn trực quan, dễ sử dụng và dễ làm quen. Mình cũng nhận định camera của Xiaomi 13T Pro đa dụng trong nhiều môi trường, điều kiện chụp ảnh khác nhau và sản phẩm sẽ đáp ứng tốt nhu cầu chụp ảnh của hầu hết người dùng phổ thông ở thời điểm hiện tại.
Giao diện camera của Xiaomi 13T Pro rất trực quan, dễ sử dụng, hỗ trợ đa dạng chế độ chụp ảnh/quay video.
Dạo phố cùng smartphone cận cao cấp của năm – Xiaomi 13T Pro
Trong khoảng giá 15 triệu đồng, Xiaomi 13T Pro cho anh em gần như mọi thứ, từ thiết kế, màn hình, hiệu năng đến 1 cụm camera chất lượng.
Xiaomi 13T Pro sở hữu cụm camera với ống kính Vario-Summicron 24mm đồng chế tác với Leica…
Nhận định của mình
Qua những trải nghiệm ở trên, mình đánh giá Xiaomi 13T Pro vẫn là mẫu smartphone cận cao cấp rất chất lượng ở thời điểm hiện tại. Chúng ta sẽ có một thiết bị với thiết kế bắt mắt (đặc biệt là phiên bản mặt lưng giả da), màn hình có chất lượng hiển thị đẹp, hiệu năng mạnh, thời lượng sử dụng pin lâu cùng hệ thống camera Leica đa dụng.
Xiaomi 13T Pro ở thời điểm hiện tại vẫn là mẫu smartphone cận cao cấp rất chất lượng, đặc biệt là hệ thống camera Leica có thể đáp ứng tốt nhu cầu chụp ảnh của phần lớn người dùng phổ thông.
Tuy nhiên, điều khiến mình chưa hài lòng về Xiaomi 13T Pro chính là trải nghiệm sử dụng HyperOS. Như mình đã chia sẻ bên trên, Xiaomi HyperOS hiện vẫn gây ra một vài lỗi liên quan đến thông báo, không hiển thị bong bóng chat và điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm sử dụng hằng ngày của mình. Vì vậy, mình hy vọng Xiaomi cần khắc phục sớm tình trạng này.
Một yếu tố nhỏ khác cũng khiến trải nghiệm của mình với Xiaomi 13T Pro chưa được trọn vẹn chính là thiết kế cụm camera. Mình mong đợi Xiaomi sẽ sử dụng thiết kế cụm camera tối giản hơn với các ống kính làm nổi lên trực tiếp từ mặt lưng thay vì đặt trong phần khung bao quanh cho thế hệ kế nhiệm của Xiaomi 13T Pro (rất có thể là Xiaomi 14T Pro).
Mình mong đợi Xiaomi sẽ thay đổi một chút về thiết kế cụm camera sau cho thế hệ kế nhiệm của Xiaomi 13T Pro. Điều này nhằm cải thiện phần nào trải nghiệm cầm nắm sử dụng của người dùng khi xoay ngang máy để chơi game, xem video.
Ngoài ra, mình cũng kỳ vọng dòng Xiaomi T Series trong tương lai cũng sẽ được bổ sung một phiên bản sử dụng dòng chip Snapdragon 8 Gen Series của Qualcomm (có thể là mẫu chip Snapdragon 8s Gen 3 chẳng hạn, trước đó Xiaomi 12T Pro cũng được trang bị chip Snapdragon 8+ Gen 1) bên cạnh dòng chip MediaTek Dimnensity Series. Điều này sẽ giúp chúng ta có thêm sự lựa chọn khi có nhu cầu mua sản phẩm thuộc dòng Xiaomi T Series, đặc biệt là những người dùng yêu thích dòng chip Qualcomm Snapdragon. Đồng thời, những bạn thích vọc vạch về phần mềm cũng có thể cài đặt ROM tùy chỉnh trên điện thoại dễ dàng hơn nếu có nhu cầu sử dụng giao diện khác ngoài Xiaomi HyperOS.
Xiaomi 12T Pro tại thời điểm ra mắt cũng được trang bị chip Qualcomm Snapdragon 8+ Gen 1. Nguồn: Xiaomi.
Vậy các bạn đánh giá như thế nào về Xiaomi 13T Pro ở thời điểm hiện tại? Hãy để lại cảm nghĩ của bạn ở phần bình luận bên dưới bài viết cho mình được biết nha. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.
Xem thêm: