Thậm chí mình cũng có cắm thử sạc này cho Macbook Pro 2017 cũng vẫn nhận và có sạc được luôn, đương nhiên là với 30W thì tốc độ sạc cho Macbook sẽ chậm hơn mức sạc tiêu chuẩn 60W của MBP2017 nhưng cũng có thể hoàn toàn sử dụng trong những tình huống cần chữa cháy.
Công suất tối đa mà củ sạc có thể cấp ra là khoảng 29W, cũng khá sát với thông số 30W của nhà sản xuất. Khi đó, điện năng tiêu thụ đầu vào của RoboGaN 30W là khoảng 31.8W, như vậy hiệu suất chuyển đổi năng lượng là khoảng 91% (càng cao càng tốt).
RoboGaN 65W
Tương tự, RoboGaN 65W cũng hỗ trợ đầy đủ PD 3.0, QC 3.0 & 2.0, AFC, SCP, FCP, Apple và DCP. Cổng C1 có công suất tối đa 65W và cổng C2 cũng có công suất tối đa 30W như thông tin của nhà sản xuất.
Với mức công suất cổng C1 đạt 65W, mình hoàn toàn có thể thay thế cục sạc zin 61W to và nặng của Macbook. Với chiếc MBP 2017 của mình, công suất lớn nhất mà máy có thể sử dụng là 61W (20.3V – 3A).
Vì vậy, khi cắm vào RoboGaN, thông tin hệ thống nhận diện được là đang cắm củ sạc 65W, nhưng thực tế máy tính của mình cũng chỉ sử dụng tầm 55W, tối đa là tầm 59W (kể cả khi cắm củ sạc zin 61W hoặc một củ sạc 65W khác nữa), vì vậy củ sạc RoboGaN hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sạc Macbook của mình.
Với 59W đầu ra, công suất tiêu thụ đầu vào của RoboGaN 65W là 63.9W, đạt hiệu suất chuyển đổi năng lượng là 92.3%. So sánh Apple 61W A1718 zin theo máy laptop của mình, lần lượt là 59.25W đầu ra và 65.2W đầu vào, hiệu suất 90.8%.
Có thể thấy, hiệu suất chuyển đổi năng lượng của RoboGaN 65W không hề tệ chút nào, với 2 mẫu 65W màu đen và tím mà mình có, RoboGaN tốt hơn cả củ sạc Apple, tất nhiên, củ sạc của Apple đã sản xuất từ 2017 và cũng đã trải qua thời gian dài sử dụng, còn RoboGaN vẫn sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng
Khi vừa cắm laptop và vừa cắm sạc điện thoại, RoboGaN cũng sẽ chia 45W và 20W, vừa đủ dùng cho laptop mà cũng vẫn sạc nhanh được cho điện thoại. Khi máy tính kéo công suất 45W, củ sạc Ugreen cũng cho ra công suất thực là 44.3W, khá sát với nhu cầu của máy tính.
Việc có thêm cổng USB A cũng rất tiện lợi, mặc dù có thể thời điểm này ít dùng đến nhưng vẫn hữu ích trong một vài trường hợp, ví dụ như để sạc chiếc Walkman cũ của mình, hoặc tận dụng một số cọng A-C để sạc loa di động chẳng hạn.
Ripple and Noise
Ripple and Noise (R/N – Gợn sóng và nhiễu) là một thông số có thể giúp chúng ta đánh giá sâu hơn về chất lượng của điện DC đầu ra của một bộ nguồn, cục sạc, và adapter. Anh em muốn hiểu kỹ hơn về Ripple and Noise có thể xem thêm trong bài viết này. Còn dưới dây mình sẽ chỉ tóm tắt một vài ý chính.
https://tinhte.vn/thread/ripple-and-noise-la-gi-va-anh-huong-the-nao-den-thiet-bi.3793524/
Ripple and Noise là gì và ảnh hưởng thế nào đến thiết bị | Viết bởi Ngon Bổ Xẻ
Bộ chuyển đổi nguồn, hay củ sạc, mà chúng ta chúng ta thường dùng cho laptop, điện thoại, hay các thiết bị điện tử, sẽ có chức năng chính là chuyển đổi dòng điện xoay chiều AC 100V, 240V sang điện một chiều DC 5V, 9V…
Giải thích ngắn gọn, trong quá trình chuyển đổi từ điện xoay chiều AC sang điện một chiều DC sẽ tạo ra nhiều R/N không mong muốn.
Nguồn ảnh: Power Wiki
Nếu R/N quá cao, điện đầu ra không ổn định có thể tác động xấu đến thiết bị. Vì vậy, củ sạc có linh kiện tốt, chất lượng tốt thì khả năng “lọc” điện đầu ra cũng sẽ tốt, và R/N cũng sẽ nhỏ.
Mình tham khảo một số tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế của các nhà sản xuất (Intel), bộ nguồn có R/N ở mức dưới 1% sẽ là mức rất tốt, 2-3% là mức khá, 4-5% là mức trung bình còn trên 5% có thể coi là những bộ sạc kém chất lượng.
Dưới đây mình sẽ chia sẻ kết quả đo R/N của RoboGaN 30W và 65W. Mình đã mang vào một phòng lab chuyên nghiệp để đo bằng thiết bị chuyên dụng. Mô hình đo sẽ là cắm củ sạc vào tải giả, không có thiết bị trung gian nào nối tiếp ở giữa hay đấu nối song song để loại trừ mọi yếu tố bên ngoài và giảm tối đa sai số.
Tải giả này có khả năng trigger chuẩn sạc để chọn đúng công suất cần thiết và đồng thời cũng đo luôn được các thông số quan trọng như điện áp, cường độ dòng điện, công suất, và không thể thiếu đó là R/N.
Lưu ý: Kết quả chỉ mang tính tham khảo. Đo 1-2 mẫu nên không đại diện cho toàn bộ model, lô hàng hay thương hiệu. Chỉ là số liệu tại thời điểm mới mua, chưa đánh giá được chất lượng sau thời gian dài sử dụng.
Ripple and Noise RoboGaN 30W
Ở mức công suất cao nhất (29.69W – 19.79V – 1.5A), R/N của RoboGaN 30W là khoảng 167mV, tức là tầm 0.84%. Đối với mức R/N này, có thể thấy chất lượng điện đầu ra của RoboGaN 30W ở mức rất tốt.
Thông số PV trong ảnh là R/N, 0.167V = 167mV
Nếu so sánh với R/N của của củ sạc Apple 20W do ChargeLab thực hiện có kết quả là 0.4% (36.8mVpp/9V), thì mình thấy mức R/N của RoboGaN 30W cũng vẫn rất ổn nếu so với mức giá bán chưa đến 300,000đ. (Mình so sánh với của sạc Apple 20W vì mình không kiếm được thông tin R/N đáng tin cậy của củ sạc Apple 30W)
Ripple and Noise RoboGaN 65W
Đối với RoboGaN 65W, sau khi đo đạc và kiểm tra, RoboGaN 65W thật sự làm mình bất ngờ hơn nữa vì R/N rất thấp. Dưới đây là khi đo cổng C1. Ở mức công suất cao nhất (63.86W – 19.64V – 3.25A), R/N của RoboGaN 65W là khoảng 83mVpp, tức là tầm 0.42%.
Thông số PV trong ảnh là R/N, 0.083V = 83mV
Dưới đây là khi đo cổng C2. Ở mức công suất cao nhất (28.89W – 19.93V – 1.5A), R/N của RoboGaN 65W là khoảng 81mVpp, tức là tầm 0.40%.
Thông số PV trong ảnh là R/N, 0.081V = 81mV
Có thể thấy, chất lượng điện đầu ra trên củ sạc Ugreen 65W cũng rất tốt và chất lượng điện của cả 2 cổng C1 và C2 đều khá tương đồng.
Ngoài ra, mình cũng có nhờ một người anh của mình, là một kỹ sư điện tử, đo thử lại R/N của củ sạc RoboGaN 65W bằng máy hiện sóng và phương pháp đo R/N phổ biến, cũng cho ra kết quả khá tương đồng với lab đo ở trên.
Để so sánh, củ sạc Apple 61W A1718 zin theo máy laptop của mình sau hơn 5 năm sử dụng, R/N đo được là khoảng 130mVpp khi đạt công suất lớn nhất (59.42W – 19.8V – 3.0A), tương đương 0.66%.
Mình cũng có tham khảo một số các dữ liệu test của củ sạc Apple 61W A1718 từ một tester khác @lygte-info, cũng cho ra các thông số R/N của củ sạc này cũng khá gần (166mVpp) với kết quả bên mình đo được.
Như vậy, dựa trên những kết quả trên, mình có thể tạm kết luận là chất lượng điện đầu ra của RoboGaN 65W rất tốt, ít nhất là với giai đoạn mới mua về sử dụng. Còn sau vài năm, có thể linh kiện bên trong suy giảm chất lượng theo thời gian, có làm chất lượng điện đầu ra kém đi hay không, thì sau này mình sẽ thực hiện đo lại sau 1 thời gian dài sử dụng mới có thể biết được.
Thật sự là mình khá bất ngờ với kết quả đo R/N của Ugreen RoboGaN nói chung, vì với mức giá dễ tiếp cận, cùng thiết kế ngoại hình đẹp, nhiều cổng ra (bản 65W), kích thước rất nhỏ gọn, mình không hề kì vọng là chất lượng điện đầu ra lại tốt được đến như vậy.
Một số nhận xét về trải nghiệm sử dụng thực tế
Với trải nghiệm sử dụng thực tế, mình đánh giá Ugreen RoboGaN có những ưu điểm sau:
- Đẹp, có thể trang trí, đem lại nhiều cảm xúc tích cực với khuôn mặt ‘vô tri’
- Đóng hộp đẹp nên có thể làm quà tặng
- Kích thước nhỏ gọn, dễ mang đi lại
- Sạc nhanh cho điện thoại, và đối với củ 65W cũng đủ đáp ứng cho hầu hết các laptop cơ bản.
- Cục 65W có 3 cổng rất tiện lợi
Và những nhược điểm sau
- Khi sử dụng nhiều tải, full công suất, cục sạc sẽ có nóng. Đây là điểm mà hầu như củ sạc nhỏ gọn nào cũng sẽ gặp.
- Mặt kính phía trước bằng nhựa nên sẽ hơi dễ xước
- Mặt mũi của bản màu tím sáng sủa hơn bản màu đen
- Dù nhỏ gọn nhưng vì hình khối hộp nên cất balo hay túi để mang theo cũng chưa tiện lắm
Về khối lượng và kích thước, RoboGaN đã giúp mình gọn gàng và nhẹ nhàng hơn nhiều khi cần mang theo, như hình dưới thay củ sạc Macbook Zin và củ sạc điện thoại bằng RoboGaN 65W, mình giảm được khoảng 100g và tiết kiệm khá nhiều thể tích cho ngăn đựng phụ kiện trong balo.
Tổng kết
RoboGaN là một mẫu sạc đem lại cho mình nhiều ấn tượng tốt, từ ngoại hình đẹp với thiết kế độc đáo cho đến chất lượng điện đầu ra cũng rất tốt. Thực sự là tốt hơn khá nhiều so với những mẫu sạc khác trong cùng phân khúc giá. Anh em có thể tham khảo thêm kết quả của một vài củ sạc khác mà mình đã thực hiện đo đạc tại đây: Dữ liệu đo đạc một số củ sạc.
Đối với bản 30W, vào những lúc sale, có thể anh em sẽ mua được với mức giá tầm 230,000 – 250,000đ. Đối với bản 65W, có thể anh em sẽ mua được với mức giá tầm 450,000đ – 500,000đ. Với ngoại hình và chất lượng điện đầu ra như vậy, mình đánh giá đây là một mẫu sạc có p/p rất tốt đến từ Ugreen.
Trước khi kết thúc bài viết, mình cũng có một vài món quà nhỏ gửi tặng đến anh em, mình xin phép để ở phần bình luận. Cám ơn anh em đã quan tâm theo dõi. Chân thành cảm ơn bạn @dhphucs và @một-người-anh-kỹ-sư-điện-tử vì đã hỗ trợ và trao đổi kỹ thuật để mình có thể hoàn thiện bài viết này.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của Ngon Bổ Xẻ trên Tinh Tế, mình cũng có Website, Facebook, Telegram, YouTube và Group chia sẻ deal hời