Câu chuyện này thật ra hơi loằng ngoằng. Công cụ tự động quét của Youtube như anh em vẫn biết đã quét và đánh bản quyền vì cho rằng âm thanh máy giặt trong stream của Albino trùng với một bài hát có tên “Done” được một nhạc sĩ tên Audego đăng lên từ 9 năm trước. Nhưng, vấn đề là cái video mà Audego up lên chỉ có 30 giây tiếng chuông máy giặt. Và đoạn âm thanh này đúng ra thuộc về bài hát Die Forelle (The Trout) của nhà soạn nhạc người Áo Franz Schubert được sáng tác hồi năm 1817 và nó public domain – tức là có thể xài miễn phí và ko bị đánh bản quyền.
Samsung xài nó cho việc báo hiệu kết thúc chu trình giặt sấy của mình trong niều năm qua, nó cũng tạo cảm hứng cho rất nhiều người. Nhưng với Albino, anh chàng đang rất tức giận khi tiền của mình, doanh thu từ nội dung của mình lại phải chia sẻ cho một đứa khác chỉ vì tiếng chuông máy giặt mà đứa up lên vốn không hề sở hữu bản quyền thật sự. Albino nói rằng có lẽ Youtube đã để Audego làm điều này nhiều năm qua mà không phát hiện rằng nó là sự lạm dụng bản quyền.
Team Youtube ban đầu đã trả lời trên X một cách máy móc rằng khi Albino gửi tranh chấp thì quy trình là Audego sẽ được thông báo và có hạn 30 ngày để phản hồi. Tất nhiên, Albino thể hiện rõ sự thất vọng với câu trả lời này và cho rằng việc lạm dụng bản quyền thật sự nghiêm trọng, chờ đợi một người như vậy phản hồi? Họ thậm chí có thể nhấn vào từ chối tranh chấp, lấy tất cả tiền doanh thu quảng cáo và buộc Albino phải mạo hiểm việc có thể chấm dứt kênh để kháng cáo lần nữa. Ngay sau đó, cuối cùng Youtube đã xác nhận rằng việc đánh bản quyền từ Audego không hợp lệ và họ sẽ đưa ra thay đổi trong hai ngày làm việc.
Vào năm 2021, Youtube đã công bố rằng họ đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ để tạo ra công cụ quản lý nội dung. Content ID nổi lên như 1 giải pháp để phát hiện và xoá những nội dung vi phạm bản quyền, nó được mô tả là hệ thống tự động có thể mở rộng của Youtube cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên Youtube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Nó đã bảo vệ rất nhiều nhà sáng tạo nội dung, chủ sở hữu nhưng đồng thời cũng tạo ra kẻ hở và bị lạm dụng để trục lợi bởi rất nhiều kẻ tương tự như Audego.
Điển hình như trận bóng giữa Việt Nam với Ả Rập Xê Út hồi 16/11/2021, phần hát Quốc Ca chào cờ của Tuyển Việt Nam khi phát trên Youtube bị đánh bản quyền vì sử dụng bản ghi Tiến Quân Ca do một hãng đĩa nước ngoài sản xuất và đăng ký bản quyền. Dẫn tới hồi 6/12 sau đó, VN đá với Lào, đơn vị phát sóng phải chủ động tắt luôn phần quốc ca “vì lí do bản quyền”, khiến cho nhiều người Việt “sôi máu” vì Quốc Ca của một đất nước sao lại ăn bản quyền Youtube. Bản thân Youtube thì thừa nhận những sai sót của hệ thống này vì rằng không hệ thống nào hoàn hảo. Còn anh em, anh em nghĩ sao về vấn đề này?
Nguồn tham khảo: Wired, Twitter ALBINO