CEO Hunter-Scullion cho rằng: “Tôi nghĩ mọi công ty khai khoáng vũ trụ đều nhận ra rằng tiền rồi sẽ hết, nhà đầu tư sẽ chán, và họ sẽ phải có nguồn thu. Quan điểm của tôi là cần phải có một thứ gì đó có lợi cho con người trên trái đất trước, bằng không thì đừng mơ chuyện ra ngoài không gian khai thác khoáng sản.”
Ian Lange, nhà kinh tế học ở đại học mỏ Colorado đưa ra phép so sánh, điều này giống hệt mấy lò nấu rượu bên trời tây, lâu dài thì ai cũng muốn làm whiskey vì giá trị cao hơn, nhưng ở tầm ngắn hạn, sản xuất gin sẽ là cách để họ có doanh thu ngay lập tức.
Điều kiện bắt đầu trở nên lý tưởng
Đó là kết luận về mặt kinh tế so với thập niên 2010. Giờ chi phí phóng tên lửa đẩy đem hàng hóa và cả con người vào vũ trụ đã rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm những startup đầu tiên nghĩ đến chuyện khai thác tài nguyên trên thiên thạch. Nhưng nhiều yếu tố khác thì phức tạp hơn. Chẳng hạn như những tài nguyên còn dồi dào trên trái đất, thì vào không gian khai thác để làm gì. Theo Lange, vấn đề không phải là chúng ta không khai thác được những tài nguyên như lithium, mà vì những lý do khác, chẳng hạn như môi trường hay những cuộc xung đột ở những vùng có trữ lượng đất hiếm và kim loại quý dồi dào.
Ở khía cạnh tích cực hơn, thì việc khai khoáng trong không gian sẽ giảm bớt tác động môi trường giữa lúc con người đang nỗ lực chuyển đổi xanh, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Những tài nguyên trong không gian thực sự phù hợp với quá trình chuyển đổi này, chẳng hạn như iridium dùng trong quá trình sản xuất hydrogen dạng nhiên liệu, hay platinum, dùng trong hệ thống pin hydrogen cho ô tô. Những tài nguyên khác có thể kể đến như nickel, cobalt hay sắt, vừa dồi dào vừa dễ khai thác trên các thiên thạch.
Nhưng ở khía cạnh môi trường, việc phóng tên lửa cũng tạo ra khí nhà kính gây hại cho trái đất. Rồi việc khai thác khoáng sản trên những thiên thạch cũng tạo ra rác thải, dưới hình dạng những mảnh thiên thạch nhỏ xíu bay tự do trong không gian. Thậm chí hiện giờ con người cũng đã bắt đầu nghiên cứu và có những đề xuất về tác động môi trường vũ trụ. Chẳng hạn như năm 2019, có nhà nghiên cứu cho rằng nên coi cả hệ mặt trời giống hệt như những khu vực hoang dã trên trái đất, cần được bảo vệ. Rồi năm 2021, có cả đề xuất khung pháp lý về tác động môi trường của việc khai khoáng trong không gian.
Trái ngược hoàn toàn với khai khoáng dưới lòng biển, hầu hết mọi người đều ủng hộ khai khoáng ngoài vũ trụ, dựa theo một nghiên cứu vào năm 2022. Chính xác hơn là mọi người, bất kể độ tuổi hay quan điểm chính trị, đều ủng hộ khai khoáng trên những thiên thạch. Còn họ đều phản đối khá mạnh mẽ việc khai khoáng trên mặt trăng.
Matthew Hornsey, tác giả cuộc nghiên cứu kể trên, giáo sư đại học Queensland viết: “Mọi người ủng hộ khai thác những tiểu hành tinh và thiên thạch nhiều hơn hẳn so với những hình thức khai thác khoáng sản khác trên trái đất, chẳng hạn như dưới đáy đại dương, ở Nam cực hay ở lãnh nguyên Alaska, những nơi không có người ở. Họ không bày tỏ lo ngại về mặt đạo đức khi nhắc tới khai khoáng ngoài không gian. Nhưng mặt trăng là thứ con người có thể nhìn thấy, đẹp đẽ và gắn liền với con người cả về mặt thực tiễn lẫn tâm linh, nên tôi có thể hiểu tại sao mọi người muốn bảo vệ mặt trăng, so với những tiểu hành tinh khác.”
Luật khai khoáng ngoài không gian
Nếu muốn phát triển khai khoáng không gian, có thể sẽ cần những bộ luật nghiêm minh hơn trên trái đất, cấm khai khoáng để bảo vệ môi trường chẳng hạn. Những bộ luật và chế tài này sẽ kích thích tốc độ phát triển của khai khoáng không gian, vì khi ấy nó sẽ trở thành một lựa chọn đầy hấp dẫn, thay vì lấp mìn cho nổ cả quả núi ở trái đất.
Tình hình chế tài quản lý khai khoáng không gian trong vài năm gần đây cũng có sự thay đổi, theo giáo sư luật vũ trụ Melissa de Zwart, đại học Adelaide, Úc. Việc thiếu đi những quy định và bộ luật trong quá khứ chính là lý do những công ty đầu tiên nghĩ tới chuyện khai thác khoáng sản ngoài vũ trụ thất bại. Khi ấy không có một điều luật nào khẳng định con người có thể ra ngoài không gian khai thác khoáng sản.
Nhưng hiện giờ, Nhật Bản, UAE, Luxembourg và Mỹ đều đã có những bộ luật với nội dung như vậy, mô tả cụ thể quyền sở hữu tài nguyên không gian của các quốc gia và các công ty tư nhân. Phía Mỹ thậm chí còn có Thỏa thuận Artemis, một bộ quy tắc ứng xử trên mặt trăng, dựa trên những quy định của Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967, bộ luật quốc tế quản lý việc khám phá không gian của con người, bao gồm cả khai thác tài nguyên.
Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967 không cấm khai thác khoáng sản và tài nguyên trong vũ trụ, và nó đặt ra vài quy tắc cơ bản, chẳng hạn như Mỹ không thể lên mặt trăng, cắm cờ xong và nói “chỗ này là của tôi” rồi bắt đầu khai thác và đào bới, theo giáo sư Zwart. Những vật chất được khai thác từ một tiểu hành tinh, như băng hay quặng kim loại thì sẽ thuộc quyền sở hữu của họ. Và các quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hành động của các công ty tư nhân nước họ thực hiện.
Khung pháp lý này có rất nhiều khoảng trống, ví dụ như khai thác thế nào là có trách nhiệm?
Mọi người đang bàn luận để tạo ra khung pháp lý hợp lý hơn. Nhóm quản trị tài nguyên vũ trụ quốc tế đang tập hợp những quan điểm để xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc tế, và Liên Hợp Quốc cũng có một nhóm chuyên trách về vấn đề này.
Hiện tại
Khuôn khổ pháp lý kể trên có thể sẽ được thử nghiệm với “cú gõ cuốc” ẩn dụ đầu tiên trên một tiểu hành tinh hay một thiên thạch, hoặc trên mặt trăng, nơi con người đang muốn quay trở lại. Abbud-Madrid cho rằng: “Thời điểm bạn bắt đầu nghĩ tới việc tồn tại lâu dài trên căn cứ mặt trăng, bạn sẽ cần nguồn cung tài nguyên.”
Việc khảo sát mặt trăng đã và đang được thực hiện. Tính đến tháng 12/2020, NASA đã ký hợp đồng với 4 công ty tư nhân, giao cho họ nhiệm vụ nghiên cứu thu thập một lượng nhỏ mẫu vật trên bề mặt mặt trăng, để xác định tính khả thi của việc khai khoáng ở đây.
NASA thì không dự tính thử nghiệm trình diễn khai khoáng trên mặt trăng hay các tiểu hành tinh. Đó là tham vọng của những công ty tư nhân, những người tìm kiếm nguồn tài nguyên đầy giá trị bên ngoài vũ trụ, với niềm tin rằng trái đất cần, và sẽ trả hậu hĩnh cho những nỗ lực của họ. Đó chính là sự lạc quan mà Gialich của AstroForge nói đến: “Điều này sẽ phải diễn ra, hy vọng rằng chúng tôi sẽ là những người đầu tiên khai thác được khoáng sản ngoài không gian.”
Theo Undark