Đó là lúc những dự báo của IEA trong bản báo cáo “Pin và chuyển giao năng lượng an toàn” được đưa ra. Theo các nhà nghiên cứu của cơ quan này, chi phí những hệ thống pin lưu trữ năng lượng tạo ra từ những tua bin điện gió và tấm pin năng lượng mặt trời sẽ giảm tới 40% vào năm 2030. Với việc giảm thiểu chi phí như thế này, việc xây dựng những nhà máy điện gió và điện mặt trời cùng hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ rẻ hơn cả việc xây dựng nhà máy điện than và điện khí mới ở nhiều vùng lãnh thổ.
Hiện giờ thì pin lithium-ion vẫn đang thống trị thị trường, kể cả ngành lưu trữ điện tái tạo lẫn ngành giao thông. IEA thì cho rằng, xu hướng ứng dụng công nghệ pin rẻ hơn, lithium iron phosphate đang có chiều hướng tăng. Năm 2023, 80% tổng số trạm lưu trữ điện tái tạo mới xây dựng đều ứng dụng pin LFP thay vì lithium-ion.
Đối với ngành giao thông, pin lithium-ion vẫn đang chiếm tới 90% tổng nhu cầu pin xe điện toàn cầu. Một giải pháp rẻ hơn là pin sodium-ion, tính đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 10% tổng thị phần pin xe điện toàn thế giới, chi phí rẻ hơn 30% so với pin LFP. Bản chất ngành ô tô điện cũng có nhu cầu khác với ngành năng lượng sạch, vì các hãng xe sẽ muốn có những hệ thống pin vừa nhẹ, mật độ lưu trữ năng lượng cao.
Theo dự báo của IEA, việc chi phí pin lưu trữ đang giảm mạnh cũng đã, đang và sẽ cho phép mở rộng việc ứng dụng những trạm điện quy mô nhỏ ở nhiều khu vực và khu dân cư, ví dụ như những hệ thống pin mặt trời đặt trên mái nhà, hay những khu vực mà đường điện không kéo tới khu dân cư. Đến năm 2030, IEA dự báo chi phí để sản xuất điện từ những hệ thống điện sạch phục vụ các hộ gia đình, kết hợp với pin lưu trữ năng lượng sẽ giảm gần 50%.
Tổng cộng, đến năm 2030, khả năng lưu trữ điện sạch của toàn thế giới sẽ tăng gấp 6 lần. Pin lưu trữ điện gió hay điện mặt trời sẽ chiếm 90%. 10% còn lại đến từ những hồ thủy tích điện năng, dùng nguồn điện từ nơi khác bơm nước lên hồ chứa nhân tạo, rồi sau đó lấy chính nguồn nước này chạy tua bin thủy điện.
Trong mảng sản xuất, chỉ trong 3 năm vừa qua, sản lượng pin sản xuất đã tăng gấp 3 lần. Trung Quốc vẫn dẫn đầu, còn các quốc gia phát triển như Mỹ và châu Âu cộng lại cũng chiếm khoảng 40% tổng sản lượng pin sản xuất toàn cầu.
Theo Techspot