Có lẽ chúng ta có thể đồng ý với nhau một điều như thế này. Mười năm về trước, nếu quảng cáo này ra mắt, chắc không ai nói gì. Nhưng giờ có vẻ đã khác. Ai cũng muốn quan điểm của mình được lắng nghe trên mạng internet, rồi thì cũng nhờ các mạng xã hội, những quan điểm ấy được khuếch đại lên cả ngàn lần.
Nam tài tử nổi tiếng Anh Quốc, Hugh Grant viết trên mạng xã hội X, gọi quảng cáo này của Apple là “thứ hủy hoại trải nghiệm con người.” Đạo diễn Reed Morano, người thực hiện Handmaid’s Tale thì tag hẳn Tim Cook trên mạng xã hội, nói rằng ông này đang bàng quan với tình hình.
Còn Apple, như mọi lần, quyết định lên tiếng xin lỗi, động thái đã quá quen thuộc mỗi lần Apple gặp rắc rối trước cộng đồng và trên mạng xã hội kể từ khi CEO Tim Cook lên nắm quyền năm 2011: “Sáng tạo là thứ nằm sâu trong DNA của chúng tôi, và điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là thiết kế ra những sản phẩm kích thích sự sáng tạo cho mọi người trên toàn thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là vinh danh những cách người dùng thể hiện bản thân và đưa ý tưởng của họ trở thành hiện thực với chiếc iPad. Chúng tôi đã thất bại trong việc thể hiện điều đó trong đoạn quảng cáo, và chúng tôi xin lỗi.” Đó là tuyên bố của Tor Myhren, phó chủ tịch marketing Apple.
Apple iPad Pro 2024 ra mắt: màn hình OLED 1600 nits mới, máy mỏng hơn, chip M4, giá từ 29 triệu đồng
Như vậy những mong chờ của chúng ta đã trở thành sự thật với tấm nền OLED, kích thước 11-inch và 13-inch mới, độ sáng peak của iPad Pro OLED bây giờ là 1600 nits, ngang bằng với phiên bản 12.9-inch mini LED trước đây.
The Verge có hẳn một bài viết dài, mô tả đoạn clip này theo cái cách mà ngay lập tức mình nghĩ rằng đó là một cách “nâng cao quan điểm” vô thưởng vô phạt, để khiến cảm xúc của người đọc bài, cảm xúc của người xem đoạn video clip bị hướng theo quan điểm của người viết, vô cùng tiêu cực:
“Trong đoạn clip đó, một dàn những công cụ sáng tạo bị búa thủy lực dập bẹp. Nhìn chiếc piano, thứ mà nếu chăm chút cẩn thận, có thể xài tốt đến cả nửa thế kỷ, hay những món đồ phục vụ sức sáng tạo của con người khác bị ép bẹp để quảng cáo một thiết bị, được thiết kế ra chỉ để phục vụ con người trong chưa đầy 10 năm, nhìn thực sự bực mình.
Cảm giác rất nhiều người trong số chúng ta nhận ra khi xem cái quảng cáo này là: Apple, một tập đoàn nghìn tỷ Đô, sẽ phá hoại mọi thứ đẹp đẽ và nhân bản, mọi thứ nịnh mắt và nịnh tay, và thứ duy nhất còn lại sẽ chỉ là một mảnh kim loại và kính mỏng dính. Đáng nể là họ làm ra được quảng cáo này để bán một sản phẩm. Thông điệp của đoạn quảng cáo có lẽ là “hãy mua thứ phá hủy mọi thứ bạn yêu mến”.
Rõ ràng quảng cáo mới đã quá bàng quan với tình hình, dù gì thì Apple cũng trở thành một cái tên nổi bật khi gắn liền với những hình thức sáng tạo của con người. Nhưng quảng cáo này mô tả một tầm nhìn hạn hẹp đến mức đáng xấu hổ về công nghệ. Hãy tưởng tượng bạn là một người nghèo nàn về tinh thần tới mức bạn tin chắc rằng công nghệ duy nhất hữu ích là những công nghệ mới nhất.