Mạng xã hội, phương tiện truyền thông không tồn tại vì tự thân chúng mà với tính cách là phương tiện giao tiếp xã hội, phục vụ con người và giúp con người hiểu nhau. Truyền thông dường như không chỉ là trao đổi dữ liệu thông tin, mà là một hình thức chia sẻ, không phân biệt trình độ giáo dục, sang hèn, hay thế lực nào. Quyền tự do giao tiếp là quyền của mọi người.
Ảnh: tuanlionsg
Mạng xã hội – những trở ngại
Bạn có 5k bạn trên Facebook, được bao nhiêu là người bạn đúng nghĩa? Người ta vẫn tự hỏi như vậy. Mạng xã hội là nơi để tìm kiếm thông tin, sao chép thông tin, đọc lướt như lướt sóng, cả tin vui lẫn chia buồn. Nhưng, đó cũng là nơi để ném đá, để tấn công cá nhân, để lạm dụng, để gài bẫy dữ liệu, để lập bè chia phái… và đó cũng là nơi vô nghĩa đối với những tâm hồn vong thân thoát ly thực tế. Ông Manfred Spitzer (Đức), một bác sỹ tâm thần, người tạo ra thuật ngữ digital dementia (chứng thác loạn tâm lý do kỹ thuật số) cho rằng: “Phương tiện truyền thông thời số hóa khiến người ta béo lên, ngốc nghếch ra, hung hăng thêm, rồi bệnh hoạn, cô độc, và bất hạnh.“
Ở đó, không thiếu thông tin đánh lạc hướng, thông tin chỉ chứa một nửa sự thật, một phần có lợi cho người phát tin và họ giấu đi nửa còn lại. Người nhận tin không thể đưa ra phán đoán chính xác, đúng sự thật, thuận đạo đức… vì họ không đủ yếu tố cần được biết do truyền thông cung cấp. Rồi cũng có biết bao lời lẽ lạnh lùng làm đông cứng người khác, lời lẽ nóng nảy làm héo khô con người, lời lẽ chua chát khiến bạn bè xót xa, miệng lưỡi phẫn nộ khiến tăng oán hận. Lời nói tốt lành phản ánh tâm hồn trong lành và chân thành của bản thân lên người khác, lời tử tế làm người nghe thoải mái đón nhận.
Ảnh: tuanlionsg
Tiếp nhận chủ động thay vì thụ động!
Bản chất phương tiện truyền thông là tốt. Chúng có thể đã bị dùng sai ít nhiều do mục đích và cách thức. Ai cũng biết mục tiêu cao quý nhất của phương tiện truyền thông xã hội là tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham dự vào việc định hình hoạt động chung của xã hội. Ai cũng được quyền tiếp cận thông tin trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội. Nhưng, việc sử dụng chúng thế nào cho đúng và tốt? Một khó khăn nhiều người gặp phải, đó là tôn trọng sự thật, đó là việc hướng dẫn các nhóm thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội mà không ngăn trở việc giáo dục, phát triển bản thân cho các bạn ấy.
Từ trải nghiệm đồng hành cùng con trong nhà, mình thấy cốt lõi của khó khăn này là khi chỉ biết hưởng dùng thụ động thì dễ khiến người ta cảm thấy chán ngán, suy nghĩ lệch lạc, không tìm kiếm điều thật điều tốt và tâm trạng trống rỗng. Người lớn (cha mẹ, nhà đào tạo…) cần có khả năng làm gương, đồng hành giúp các em quen dần với những nội dung phong phú, tích cực thay vì cấm đoán, thưởng phạt. Các em cần ý thức trách nhiệm dần dần, không nên chỉ là người tiếp nhận thụ động, cắm mặt chỉ coi cái người khác tạo ra, gợi ý, đề xuất… mà tham gia vào như một nhà sản xuất / sáng tạo. Các em có thể bắt đầu tham gia tích cực và chủ động hơn với việc bấm “thích”, bình luận, hoặc gửi một tin nhắn, viết blog, tải đoạn video hay, tự tạo một clip, một nội dung cảm nhận hay một vài hình ảnh để chia sẻ.