Mà cũng phải khẳng định ngay, mình đảm bảo neural engine của những chiếc điện thoại và máy tính Apple mới nhất anh em đang sở hữu sẽ không thể tạo ra những hình ảnh rất phức tạp về mặt chi tiết, ngay cả ở độ phân giải chỉ có 512×768 pixel. Để làm được những bức hình như thế này, phải có data center. Câu hỏi giờ chỉ là Apple sẽ chọn chip của Nvidia, AMD hay Intel mà thôi.
Mà nếu đã xử lý một số tác vụ trên “Private Cloud” rồi, thì mọi lợi thế của Apple Intelligence sẽ chẳng còn nữa. Nó sẽ chẳng khác gì so với Copilot+ PC hay Gemini trên điện thoại Android cả. Cái ấn tượng thứ nhì của keynote WWDC 2024 sáng sớm nay, bên cạnh việc Apple Intelligence vận hành thông qua vô vàn ứng dụng điện thoại và máy tính, là việc Apple nhấn mạnh vào quyền riêng tư với khả năng xử lý AI ngay trên thiết bị. Khi có tính năng phải vận hành qua Private Cloud, người dùng phải chờ đợi tín hiệu gửi về qua mạng internet, mọi thứ sẽ chẳng khác gì giải pháp của những tập đoàn khác.
Vấn đề “loạn ngôn”
Mình từng có một bài chia sẻ về LLM và RAG, kỹ thuật tạo sinh truy xuất tăng cường, kết hợp mô hình ngôn ngữ tạo nội dung với công cụ tìm kiếm trực tuyến. Hầu hết mọi chatbot phổ biến hiện tại đều kết hợp LLM và RAG. Vấn đề của LLM, khái niệm gọi là hallucination, hay chatbot và mô hình ngôn ngữ bị “loạn ngôn” đến từ chính cách vận hành của mô hình AI.
Tạo sinh tăng cường: Lý do những chatbot và trợ lý ảo AI bị “loạn ngôn”
Thực tế hiện nay rất nhiều công cụ AI ứng dụng một kỹ thuật gọi là RAG, viết tắt của retrieval-augmented generation. Nhưng những vấn đề của RAG ứng dụng cùng với AI Overviews, công cụ mới nhất vừa được Google ứng dụng vào công cụ tìm kiếm trực…
LLM vận hành theo cách dự đoán những chuỗi văn bản kế tiếp nhau dựa trên những dữ liệu đầu vào trong quá trình huấn luyện AI. Vì ứng dụng tạo sinh vận hành theo dự đoán xác suất, nên văn bản chúng tạo ra trông có vẻ tự nhiên như văn viết của con người. Đổi lại, khả năng tạo ra những thông tin sai cũng rất cao. LLM không biết đâu là sự thật, đâu là thông tin chính xác, và đâu là thông tin sai lệch, nó chỉ nhận diện được văn bản có mượt và tự nhiên hay không mà thôi.
Apple có dùng mô hình gì đi chăng nữa, thì kết cấu cơ bản và nền tảng để mô hình AI của họ vận hành cũng chỉ có một. Đó chính là những gì các nhà nghiên cứu dẫn đầu ngành machine learning và neural network hơn chục năm về trước đã phát triển ra. Miễn là còn vận hành dựa trên nguyên tắc này, thì mô hình ngôn ngữ của Apple luôn có khả năng bị loạn ngôn. Khả năng thấp, chứ không bao giờ chạm ngưỡng 0.0%.
Có lẽ đó chính là lý do Apple không mảy may đề cập tới khả năng tìm kiếm trực tuyến, bắt LLM kết hợp với RAG để tìm kiếm thông tin như Copilot, ChatGPT hay Gemini. Thay vào đó là những tính năng thực sự hữu ích dựa trên dữ liệu đã có sẵn trong thiết bị của anh em, kết hợp với khả năng hiểu ngữ cảnh tác vụ để phục vụ anh em tốt hơn. Dữ liệu có trong máy là thứ không bao giờ phải xác thực nguồn gốc.
Lợi thế của việc kiểm soát cả phần cứng lẫn phần mềm
Đồng ý là Google có Pixel và Chromebook, còn Microsoft có Windows và Surface. Nhưng cả hai đều không có thứ mà Apple có: Một hệ sinh thái máy tính, máy tính bảng, điện thoại và phụ kiện khép kín, ai dùng đồ Apple cũng sẽ có xu hướng bị khoá vào hệ sinh thái ấy, mua iPhone thì dùng nốt MacBook, cần mua tai nghe thì xài nốt AirPods, hay cần vẽ vời sáng tạo thì không chạy đâu khỏi iPad và Apple Pencil.
Ma thuật của những bộ não marketing khét tiếng là ở chỗ đó.
Từ Siri nhảy sang Mail, rồi từ Note nhảy sang iMessage, và sau đó là cả những câu lệnh tìm kiếm và lệnh tổng hợp hình ảnh, video trong Photos, như tiêu đề, phải khẳng định là màn trình diễn Apple Intelligence tại WWDC 2024 quá tuyệt vời. Apple giải quyết và trình diễn được thứ mà cả Google lẫn Microsoft đều không làm được, đó là tạo ra một trợ lý ảo AI có vẻ toàn năng, đi tới đâu, dùng phần mềm nào cũng có thể trợ giúp người dùng.
Đó là thứ cả Google lẫn Microsoft đều không làm được. OpenAI thì thôi bỏ qua vì họ đâu có làm điện thoại máy tính, phải dựa vào ứng dụng nền web hoặc ứng dụng di động ChatGPT.
“The Greatest Showman”
Đến giờ này, có lẽ nên coi cụm từ “Apple tái định nghĩa” một thứ công nghệ là một cái meme, một trò đùa, một cụm từ khoá vui để anh em đem ra nói chuyện với nhau, giống như “Intel 14nm+++” ấy.
Apple có nhiều thời gian phát triển và trau chuốt AI hơn. Điều này đúng. Nhưng không thể phủ nhận một điều, Apple đã đi sau quá lâu trong một thị trường mà họ không được phép chậm trễ. Hiện giờ doanh số iPhone của họ trồi sụt. Doanh thu mảng dịch vụ thì chưa gánh nổi cho cả tập đoàn. Sản phẩm mới nhất là Apple Vision Pro thì thất bại cả về mặt truyền thông lẫn doanh số, chẳng thấy ai nhắc đến nữa.
Apple M4: Hệ quả vội vàng của việc Apple chậm chân trong cuộc chạy đua AI?
Giờ này vị trí của Apple hay chính bản thân Tim Cook có lẽ thực sự đang rất áp lực và mệt mỏi, mình đoán vậy. Cơ bản là như thế này. Apple luôn có một mục tiêu quan trọng nhất đối với hệ sinh thái thiết bị công nghệ mà họ tạo ra…
Trong bài phân tích sau khi con chip M4 ra mắt, mình viết như thế này. Cứ 10 người dùng sản phẩm Apple thì may ra cùng lắm có 2 người thực sự thấy những tính năng AI sẽ hỗ trợ tốt cho nhu cầu sử dụng giải trí, trợ giúp sử dụng thiết bị công nghệ, hay công việc của họ.
Hiện giờ bất kỳ công nghệ AI nào cũng vậy, chỉ có ích đối với một tập khách hàng hoặc người sử dụng nhất định. Vẫn chưa có bất kỳ tính năng AI dựa trên mô hình ngôn ngữ nào khiến 70%, hay thậm chí chỉ cần là 50% thị trường người dùng thiết bị công nghệ coi là không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày cả. Vậy nên, tập đoàn nào tạo ra được một thứ giải pháp AI đủ khiến mọi người cảm thấy cần, sử dụng hàng ngày, tập đoàn đó sẽ thành công lớn trong tương lai gần.
Apple đã thành công trong việc trình diễn một bộ công cụ Apple Intelligence thực sự có tính hữu ích, xứng đáng để chờ đợi dùng thử. Nhưng trong mắt của các nhà đầu tư, những gì Apple thể hiện tại WWDC lần này rất khác so với cảm nhận của anh em, của mình, của những người yêu công nghệ.
Bằng chứng không đâu xa: Khi ngày thứ 2 bên Mỹ kết thúc, bất chấp keynote WWDC 2024 với 30 phút đồng hồ giới thiệu Apple Intelligence, cổ phiếu tập đoàn vẫn sụt gần 2% giá trị.
Trong mắt chúng ta, Apple Intelligence là thứ giải pháp hoàn hảo mà ai cũng đang chờ đợi được trải nghiệm. Còn trong mắt các nhà đầu tư, Apple Intelligence là thứ xúc tác để Apple kích thích nhu cầu thị trường, tăng doanh số thiết bị và doanh thu mỗi quý. Điều đó có trở thành sự thật hay không, phải chờ mới biết được.