H125 có bình xăng đạt sức chứa 425 kg. Phạm vi bay tối đa với bình nhiên liệu tiêu chuẩn là 630 km với thời gian bay tối đa 4 giờ 27 phút. Nó có thể bay với tốc độ tối đa 287 km/giờ và tốc độ hành trình 252 km/giờ. Đặc biệt có thể đạt tới độ cao 7.010 mét.
Nhưng đây chưa phải là giới hạn cuối cùng. Năm 2005, một chiếc H125 (mã số AS350 B3) đã thực hiện cú hạ và cất cánh trên đỉnh Everest cao 8.848 mét. Vào tháng 5/2013, H125 đã thực hiện hoạt động giải cứu đường dài cao nhất thế giới trên Lhotse, ngọn núi cao thứ tư thế giới, nằm trên dãy Himalaya ở độ cao 7.800 mét.
Chiếc H125 trên đỉnh Everest.
Các nước sử dụng
H125 có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ từ chữa cháy, khảo sát trên không, phun thuốc trừ sâu, săn tin tức, vận chuyển hành khách, sơ tán y tế khẩn cấp cho đến trực thăng tư nhân. Trước đây trực thăng có tên AS350 B3e và mới đổi thành H125 năm 2015. Tính đến năm 2022, nó đã đạt hơn 37 triệu giờ bay và hiện nay có hơn 5.350 chiếc H125 đang được khai thác bởi nhiều nước trên thế giới.
Tháng 11/2017, Airbus đã được trao hợp đồng cung cấp 2 chiếc H125 cho Không quân Ecuador và chiếc đầu tiên được giao vào tháng 1/2018. Tháng 3/2018, Airbus đã nhận được hợp đồng cung cấp 28 trực thăng quân sự NH90 và 16 chiếc H125 cho Qatar dưới dạng phi cơ huấn luyện.
H125 làm nhiệm vụ giám sát một trận bóng đá ở Brazil.
Brazil cũng là một khách hàng lớn của H125. Tháng 9/2022, Airbus công bố hợp đồng cung cấp 27 chiếc H125 cho quân đội nước này. Chúng được sản xuất ngay tại Brazil và sẽ thay thế cho trực thăng AS350 của Không quân và Bell 206 của Hải quân Brazil. Nó còn được dùng để đào tạo các phi công tương lai của lực lượng vũ trang Brazil.
Độ tin cậy, tính linh hoạt và hiệu suất cao đã giúp H125 có được vị trí nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ thực thi pháp luật cho đến du lịch. Với thành tích ấn tượng và sự đa dụng của mình, H125 sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường trực thăng một động cơ trong nhiều năm nữa.
Theo [1], [2].