Galaxy S24 (bên trên) và Galaxy S23 (bên dưới) có phong cách thiết kế gần như tương đồng nhau.
Nhắc đến việc cầm nắm, do Galaxy S24 sở hữu kích thước tổng thể nhỏ gọn (147.0 x 70.6 x 7.6 mm) cùng khối lượng nhẹ (167 gram) nên mình có thể dễ dàng sử dụng thiết bị bằng một tay. Bên cạnh đó, mình cũng đánh giá cao phần mặt lưng được hoàn thiện dạng nhám của Galaxy S24 giúp hạn chế tình trạng bám dấu vân tay.
Tuy nhiên, mình nhận thấy phần mặt lưng của Galaxy S24 dễ trơn trượt và mình đôi lúc làm rơi điện thoại trong trường hợp khi sử dụng điện thoại bằng một tay. Có lẽ mình sẽ phải mua thêm ốp lưng cho Galaxy S24 để gia tăng độ bám tốt hơn trong quá trình sử dụng thiết bị.
Mình có thể dễ dàng sử dụng Galaxy S24 bằng một tay do sản phẩm có kích thước tổng thể nhỏ gọn cùng khối lượng nhẹ. Mặc dù vậy thì mặt lưng được hoàn thiện dạng nhám của máy dễ trơn trượt.
Mặt trước của Galaxy S24 tiếp tục sử dụng kiểu màn hình đục lỗ với các phần viền xung quanh có độ dày đồng đều nhưng máy có màn hình kích thước 6.2 inch (lớn hơn một chút so với 6.1 inch của Galaxy S23). Các thông số còn lại của Galaxy S24 như loại tấm nền, độ phân giải, tần số quét gần như không khác biệt so với thế hệ trước. Cụ thể, Galaxy S24 sở hữu tấm nền Dynamic AMOLED 2X, độ phân giải FHD+ (1.080 x 2.340 pixels) cùng tần số quét 120 Hz.
Galaxy S24 sở hữu màn hình kích thước 6.2 inch với tấm nền Dynamic AMOLED 2X cùng độ phân giải FHD+.
Các phần viền xung quanh màn hình của Galaxy S24 có độ dày đồng đều.
Theo những trải nghiệm thực tế từ mình, màn hình của Galaxy S24 có chất lượng hiển thị đẹp, chi tiết được tái hiện rõ nét, độ sáng cao và màu sắc nịnh mắt. Vì vậy, mình cảm thấy hài lòng khi thực hiện những tác vụ giải trí, xem video, chơi game trên Galaxy S24.
Mình cảm thấy hài lòng về trải nghiệm xem video và chơi game trên màn hình của Galaxy S24.
Nhân tiện nói về yếu tố màu sắc của màn hình, chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ tình trạng màu nhợt nhạt trên màn hình của Galaxy S24 Series và chính Samsung cũng thừa nhận lỗi này. Mình cũng gặp tình trạng trên ở thời gian đầu sử dụng Galaxy S24 nhưng hiện tại đã không còn nữa bởi vì Samsung đã tung ra bản cập nhật sửa lỗi cho Galaxy S24 Series vào tháng 2/2024. Sau bản cập nhật này, những người dùng Galaxy S24 Series đã có thể truy cập vào Cài đặt → Màn hình → Chế độ màn hình → Cài đặt nâng cao và điều chỉnh thanh trượt độ bão hoà của màu sắc màn hình.
Đây là những bước mà các bạn cần thực hiện nếu muốn chỉnh độ bão hòa màu trên màn hình của Galaxy S24 nói riêng và Galaxy S24 Series nói chung.
Ngoài ra, một vài yếu tố liên quan đến màn hình của Galaxy S24 khiến trải nghiệm của mình với sản phẩm chưa được trọn vẹn. Đầu tiên là phần tiếp giáp giữa màn hình và cạnh viền trái/phải của máy được làm vuông góc với nhau nên mình có cảm giác hơi cấn nhẹ ở đầu ngón tay khi thao tác vuốt quay trở về.
Khi thực hiện thao tác vuốt quay trở về trên màn hình của Galaxy S24, mình có cảm giác cấn nhẹ ở đầu ngón tay do phần tiếp giáp giữa màn hình và cạnh viền của máy được làm vuông góc với nhau.
Yếu tố tiếp theo là màn hình kích thước nhỏ của Galaxy S24 ảnh hưởng đôi chút đến trải nghiệm gõ phím của mình. Lý do là bởi mình có bàn tay to nên việc phải gõ phím trên màn hình 6.2 inch của Galaxy S24 thường khiến mình gặp tình trạng gõ sai phím và phải tốn khoảng 3 – 4 ngày để làm quen.
Màn hình nhỏ của Galaxy S24 không chỉ làm khó người có bàn tay to mất nhiều thời gian để làm quen với việc gõ phím mà với các bạn nữ chắc hẳn cũng sẽ gặp khó khăn không ít.
Cuối cùng, cảm biến vân tay dưới màn hình của Galaxy S24 đôi khi không nhận diện được và mình phải mất thêm thời gian để gõ mật khẩu để mở khóa máy.
Cảm biến vân tay dưới màn hình của Galaxy S24 đôi lúc không nhận diện được vân tay.
Khi mình tìm hiểu nguyên nhân cho vấn đề trên thì một số người dùng Galaxy S24 Ultra trên cộng đồng Samsung Community cũng gặp lỗi liên quan đến cảm biến vân tay. Dù họ đã thử bật tính năng “Độ nhạy cảm ứng” để tăng độ nhạy cảm ứng của màn hình điện thoại và hy vọng cảm biến vân tay sẽ nhạy hơn nhưng kết quả không khả quan.
Phản hồi từ một số người dùng Galaxy S24 Ultra trên cộng đồng Samsung Community về lỗi cảm biến vân tay không nhận diện được.
Mình cũng thử làm theo phương pháp trên với Galaxy S24 nhưng cảm biến vân tay dưới màn hình của máy vẫn gặp lỗi khó nhận diện trong một số trường hợp. Để khắc phục tạm thời tình trạng trên thì mình đã sử dụng thêm phương thức mở khóa bằng gương mặt.
Mình đã thử bật tính năng “Độ nhạy cảm ứng” nhưng cảm biến vân tay dưới màn hình của Galaxy S24 vẫn gặp lỗi không nhận diện được vân tay trong một số trường hợp.
Mình sử dụng tính năng nhận diện khuôn mặt cũng như cảm biến vân tay để mở khóa Galaxy S24, phòng trường hợp một trong hai phương pháp mở khóa gặp lỗi.
Đánh giá hiệu năng
Mình tin rằng trải nghiệm hiệu năng của Galaxy S24 với chip Exynos 2400 sẽ là yếu tố được nhiều bạn đọc quan tâm. Vì vậy, để đánh giá hiệu năng Galaxy S24 thì mình đã thực hiện hai phần bao gồm:
- Chấm điểm bằng phần mềm chuyên dụng.
- Trải nghiệm chơi game thực tế trên thiết bị.
Để có thể đánh giá hiệu năng Galaxy S24, mình đã thực hiện hai chuyên mục bao gồm chấm điểm hiệu năng và trải nghiệm chơi game thực tế trên thiết bị.
Trước khi bắt đầu, mình sẽ điểm qua nhanh thông số cấu hình Galaxy S24 dựa trên công bố từ trang chủ của Samsung:
- Màn hình: Kích thước 6.2 inch, tấm nền Dynamic AMOLED 2X, độ phân giải FHD+ (2.340 x 1.080 pixels), tần số quét 120 Hz.
- CPU: Exynos 2400.
- GPU: Xclipse 940 với kiến trúc RDNA3 của AMD.
- RAM: 8 GB, hỗ trợ tính năng mở rộng RAM Plus thêm tối đa 8 GB (phiên bản mình sử dụng đã bật mở rộng RAM ảo 8 GB).
- Bộ nhớ trong: 256 GB/512 GB (phiên bản mình sử dụng có bộ nhớ trong 256 GB).
- Pin: 4.000 mAh, hỗ trợ sạc nhanh 25 W.
- Hệ điều hành: One UI 6.1 – Android 14.
Galaxy S24 được trang bị chip xử lý Exynos 2400.
Chấm điểm hiệu năng
Ở phần này, mình sử dụng các phần mềm chấm điểm chuyên dụng như: GeekBench 6, PCMark, AnTuTu Benchmark và 3DMark. Điều kiện để mình chấm điểm hiệu năng Galaxy S24 cụ thể như sau:
- Pin của máy phải từ 90 – 100% (pin dưới 90% sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của máy và kết quả).
- Không vừa sạc pin vừa chấm điểm.
- Chấm 3 lần liên tục và lấy kết quả trung bình sau 3 lần chấm.
Đây là 4 phần mềm chấm điểm chuyên dụng mà mình dùng để đánh giá hiệu năng Galaxy S24.
Kết quả mình thu được như sau:
GeekBench 6 (chấm điểm về CPU và GPU):
- Đơn nhân/đa nhân: 1.924 điểm/6.150 điểm.
- GPU Compute OpenCL: 15.345 điểm.
- GPU Compute Vulkan: 15.707 điểm.
Điểm GeekBench 6 của Galaxy S24.
PCMark (chấm điểm về CPU): 17.304 điểm.
AnTuTu Benchmark (chấm tổng điểm CPU và GPU): 1.493.229 điểm.
Điểm PCMark (bên trái) và AnTuTu Benchmark (bên phải) của Galaxy S24.
3DMark Wild Life Extreme (chấm điểm về GPU):
- Điểm tổng: 3.626 điểm.
- FPS trung bình: 21.71.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 1% (từ 98% xuống 97%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 2 độ C (từ 39 độ C lên 41 độ C).
Điểm 3DMark Wild Life Extreme của Galaxy S24.
3DMark Solar Bay (chấm điểm về GPU):
- Điểm tổng: 7.197 điểm.
- FPS trung bình: 27.37.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 1% pin (từ 97% xuống 96%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 3 độ C (từ 40 độ C lên 43 độ C).
Điểm 3DMark Solar Bay của Galaxy S24.
3DMark Steel Nomad Light (chấm điểm về GPU):
- Điểm tổng: 1.568 điểm.
- FPS trung bình: 11.62.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 1% pin (từ 96% xuống 95%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 1 độ C (từ 42 độ C lên 43 độ C).
Điểm 3DMark Steel Nomad Light của Galaxy S24.
3DMark Wild Life Extreme Stress Test (chấm điểm về GPU):
- Mức độ ổn định: 50.6%.
- Số điểm vòng lặp cao nhất: 4.045 điểm.
- Số điểm vòng lặp thấp nhất: 2.047 điểm.
- Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 1.998 điểm.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 10% (từ 100% xuống 90%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 13 độ C (từ 34 độ C lên 47 độ C).
Điểm 3DMark Wild Life Extreme Stress Test của Galaxy S24.
3DMark Solar Bay Stress Test (chấm điểm về GPU):
- Mức độ ổn định: 43.7%.
- Số điểm vòng lặp cao nhất: 8.198 điểm.
- Số điểm vòng lặp thấp nhất: 3.579 điểm.
- Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 4.619 điểm.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 8% (từ 100% xuống 92%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 14 độ C (từ 34 độ C lên 48 độ C).
Điểm 3DMark Solar Bay Stress Test của Galaxy S24.
3DMark Steel Nomad Light Stress Test (chấm điểm về GPU):
- Mức độ ổn định: 49.7%.
- Số điểm vòng lặp cao nhất: 1.717 điểm.
- Số điểm vòng lặp thấp nhất: 853 điểm.
- Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất (phản ánh cho độ ổn định): 864 điểm.
- Phần trăm pin máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Giảm 10% (từ 97% xuống 90%).
- Nhiệt độ máy sau khi hoàn thành bài chấm điểm: Tăng 14 độ C (từ 34 độ C lên 48 độ C).
Điểm 3DMark Steel Nomad Light Stress Test của Galaxy S24.
Trải nghiệm chơi game thực tế
Để kiểm chứng khả năng chiến game thực tế của Galaxy S24, mình đã tải 5 trò chơi về máy bao gồm:
- Liên Quân Mobile.
- Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.
- PUBG Mobile.
- Honkai: Star Rail.
- Genshin Impact.
Đây là 5 tựa game mà mình sử dụng để trải nghiệm chơi game thực tế trên Galaxy S24.
Điều kiện trải nghiệm game thực tế trên Galaxy S24 cụ thể như sau:
- Sử dụng phần mềm Perfdog để đo dữ liệu FPS cho từng tựa game.
- Thiết lập đồ họa trong game ở mức tối đa mà máy có thể hỗ trợ.
- Có kích hoạt chế độ Game Booster.
Mình đã kích hoạt chế độ Game Booster xuyên suốt quá trình trải nghiệm chơi game thực tế trên Galaxy S24.
- Nhiệt độ phòng bình thường không bật điều hòa (khoảng 28 – 30 độ C).
- Độ sáng màn hình 100%, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng.
- Tần số quét màn hình được thiết lập: “Tương thích”.
- Âm lượng loa ngoài 50%.
Mình đã thiết lập tần số quét màn hình của Galaxy S24 ở mức “Tương thích”.
Liên Quân Mobile
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Liên Quân Mobile.
Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.
PUBG Mobile
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong PUBG Mobile.
Honkai: Star Rail
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Honkai: Star Rail.
Genshin Impact
Thiết lập đồ họa mà mình chỉnh trong Genshin Impact.
Dưới đây là bảng kết quả đo FPS của các tựa game mà mình đã chơi thực tế trên Galaxy S24.
Đây là bảng tổng hợp FPS của 5 tựa game mình đã chơi trên Galaxy S24.
Như vậy, chúng ta có thể thấy LMHT: Tốc Chiến mang lại trải nghiệm tốt nhất với FPS trung bình là 116.1. Mình cũng nhận thấy trải nghiệm ở hai tựa game Liên Quân Mobile, Honkai: Star Rail cũng rất tốt với tốc độ khung hình trung bình lần lượt là 59.9 FPS và 57.6 FPS.
Mình hài lòng về trải nghiệm chơi Honkai: Star Rail trên Galaxy S24, máy ít khi gặp tình trạng giật, khựng dù đây là một tựa game nặng về đồ họa.
Đối với tựa game thế giới mở như Genshin Impact, Galaxy S24 đạt được FPS trung bình là 57.6. Mặc dù con số này tương đối tốt nhưng trong quá trình trải nghiệm tựa game trên với thời gian dài, mình nhận thấy máy gặp tình trạng giật, khựng. Điều này được thể hiện qua đường màu hồng biến động liên tục ở khoảng 5 phút cuối trong biểu đồ FPS.
Mình nhận thấy Galaxy S24 gặp hiện tượng giật, khựng nếu mình chơi tựa game Genshin Impacr trong thời gian dài.
Riêng tựa game PUBG Mobile, Galaxy S24 cho ra FPS trung bình thấp nhất là 39.0. Điều này là hợp lý bởi thiết lập Đồ họa trong game được mình chỉnh ở mức UltraHDR (ưu tiên chất lượng hình ảnh, chi tiết) và Tốc Độ Khung Hình ở mức Cực cao (tương đương với 40 FPS).
Nếu các bạn muốn tối ưu tối đa FPS khi chơi PUBG Mobile trên Galaxy S24, mình đề xuất các bạn có thể giảm thiết lập Đồ họa xuống mức Mượt và đẩy Tốc Độ Khung Hình trong game lên mức Siêu Giới Hạn (tương đương với 120 FPS). Đây cũng là lần đầu tiên mình được trải nghiệm PUBG Mobile với 120 FPS trên thiết bị Galaxy.
Nếu các bạn muốn bắn PUBG Mobile với 120 FPS trên Galaxy S24, bạn hãy chỉnh thiết lập đồ họa game như trong hình này nha.
Mình đã thử đo FPS khi chơi PUBG Mobile với thiết lập đồ họa trên, Galaxy S24 lúc này đạt được tốc độ khung hình trung bình là 118.3, cao hơn nhiều so với con số 39.0 mà mình đo được lúc đầu. Trong quá trình chơi, mình nhận thấy những pha ngắm bắn, di chuyển trong game đều trở nên mượt mà hơn. Mặc dù vậy, chất lượng hình ảnh, chi tiết trong game không còn đẹp như ở mức UltraHDR.
So sánh bảng FPS của PUBG Mobile khi mình thiết lập đồ họa Ultra HDR, FPS Cực cao (bên trên) và khi mình thiết lập đồ họa Mượt, FPS Siêu Giới Hạn (bên dưới).
Trải nghiệm phần mềm
Bên cạnh thiết kế, màn hình và hiệu năng thì trải nghiệm phần mềm là yếu tố tiếp theo khiến mình cảm thấy hài lòng trong xuyên suốt quá trình đánh giá Galaxy S24. Thiết bị chạy giao diện One UI 6.1 dựa trên Android 14 và mình nhận thấy các hiệu ứng chuyển cảnh khi mình thực hiện thao tác vuốt chạm, mở/đóng ứng dụng, đa nhiệm,… đều rất mượt.
Mình cảm thấy hài lòng về các hiệu ứng chuyển cảnh của giao diện One UI 6.1 trên Galaxy S24.
Không chỉ vậy, Galaxy S24 còn được hỗ trợ cập nhật lên các phiên bản Android mới nhất trong vòng 7 năm cùng các bản cập nhật bảo mật. Đây là một bước tiến lớn so với chính sách 4 năm cập nhật Android và 5 năm cập nhật bảo mật mà Samsung đã công bố từ năm 2022, đồng thời bắt kịp chính sách cập nhật của Google với dòng Pixel 8 Series. Mình tin rằng yếu tố trên sẽ khiến nhiều người dùng cảm thấy yên tâm khi sử dụng Galaxy S24 trong thời gian dài.
Samsung cam kết hỗ trợ cập nhật phần mềm Android 7 năm cho dòng Galaxy S24 Series. Nguồn: Samsung.
Vào đầu tháng 5/2024, mình nhận thấy Galaxy S24 có nhận được bản cập nhật vá lỗi bảo mật với dung lượng khoảng 291.48 MB.
Một điểm nhấn quan trọng khác trong giao diện One UI 6.1 của Galaxy S24 chính là trí thông minh nhân tạo AI (hay còn gọi là Galaxy AI). Chắc hẳn các bạn còn nhớ tại thời điểm Galaxy S24 ra mắt (tháng 1/2024), Samsung đã dành phần lớn thời gian để giới thiệu hàng loạt tính năng AI mới như: Phiên dịch trực tiếp trên cuộc gọi, trợ lý gợi ý câu chữ ghi nhắn tin thông minh, khoanh vùng search đa năng, chuyển file ghi âm thành văn bản, tóm tắt nội dung dịch trang web,…
Tại thời điểm ra mắt (tháng 1/2024), Galaxy S24 nói riêng và Galaxy S24 Series nói chung được trang bị nhiều tính năng Galaxy AI thú vị.
Trong số những tính năng Galaxy AI ở trên, mình thường sử dụng Circle to Search và Tóm tắt nội dung website. Thật ra mình đã từng đề cập chi tiết hai tính năng này trong bài đánh giá Samsung Galaxy S23 Ultra sau hơn 1 năm và mình vẫn giữ thói quen sử dụng tương tự như trên Galaxy S24. Vì vậy, các bạn có thể tham khảo qua bài viết trên nhé.
Đối với các tính năng Galaxy AI trên Galaxy S24, mình thường sử dụng Circle to Search (bên trái) và Tóm tắt nội dung website (bên phải).
Chia sẻ thêm với các bạn, bên cạnh Galaxy S23 Ultra thì còn nhiều thiết bị cao cấp khác của Samsung cũng nhận được bản cập nhật One UI 6.1 với Galaxy AI. Mình đánh giá cao những nỗ lực của Samsung bởi người dùng các sản phẩm cũ có cơ hội sử dụng những tính năng Galaxy AI mới.
Phần lớn thiết bị cao cấp của Samsung (ra mắt trước Galaxy S24 Series) hiện tại đã được cập nhật One UI 6.1 với những tính năng Galaxy AI mới (ảnh minh họa). Nguồn: Samsung.
Ngoài ra, mình cũng thường dùng tính năng Bảng ở cạnh (hay còn gọi là Edge Panels) trên Galaxy S24. Thực tế thì tính năng này đã xuất hiện từ lâu trên các mẫu smartphone của Samsung, giúp người dùng có thể truy cập nhanh vào danh bạ thường liên hệ, các ứng dụng hay truy cập, lịch, đèn pin hoặc bất cứ nội dung nào. Khi muốn mở nhanh Bảng ở cạnh thì chúng ta chỉ cần vuốt từ cạnh phải sang trái hoặc ngược lại.
Nhờ vào kích thước nhỏ gọn của Galaxy S24 nên mình có thể dễ dàng mở Bảng ở cạnh (Edge Panels) bằng một tay và tận dụng tối đa sự tiện lợi của tính năng này (điều mà mình không thể làm được trên các mẫu điện thoại Galaxy có kích thước màn hình lớn).
Mình có thể thao tác mở nhanh Bảng ở cạnh (Edge Panels) bằng một tay nhờ vào kích thước nhỏ gọn của Galaxy S24 (ảnh mang tính chất minh họa do bạn mẫu nữ có bàn tay bé và gặp khó khăn trong việc mở Edge Panels bằng một tay).
Để kích hoạt tính năng Bảng ở cạnh (Edge Panels), chúng ta cần truy cập vào cài đặt Màn hình và bấm chọn Bảng ở cạnh.
Mình có thể tùy chỉnh vị trí, màu sắc, độ trong suốt, kích thước,… của Phím điều khiển chức năng Bảng ở cạnh (Edge Panles).
Khi sử dụng Bảng ở cạnh (Edge Panels) trên Galaxy S24, mình có thói quen mở nhanh một ứng dụng bất kỳ hoặc nhấn giữ vào ứng dụng đó và kéo ra màn hình để mở dưới dạng cửa sổ nổi/chia đôi màn hình.
Nhờ vào Bảng ở cạnh (Edge Panels) trên Galaxy S24, mình có thể mở nhanh một ứng dụng bất kỳ dưới dạng cửa sổ nổi
Bảng ở cạnh (Edge Panels) cũng cho phép mình mở nhanh một ứng dụng bất kỳ bằng cách bấm vào biểu tượng 9 dấu chấm.
Trong trường hợp mình muốn thêm một cặp ứng dụng mở dưới dạng chia đôi cửa sổ, mình cũng có thể thêm cặp ứng dụng này vào Bảng ở cạnh (Edge Panels).
Ngoài ra, mình cũng có thể xem thông tin thời tiết, xem lời nhắc trong ứng dụng Reminders hoặc kích hoạt nhanh một tác vụ bất kỳ (nhập ghi chú, quay video, bấm số gọi điện thoại, thêm chuông báo thức,…). Thậm chí trong Galaxy Store còn có nhiều thể loại Panel khác nhau để chúng ta có thể lựa chọn tùy vào nhu cầu sử dụng cá nhân.
Trong mục cài đặt của Bảng ở cạnh (Edge Panles), chúng ta có thể lựa chọn nhiều loại Bảng khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng cá nhân.
Mình cũng có thể sắp xếp lại vị trí của các Bảng sao cho thuận tiện với thói quan sử dụng của bản thân.
Chúng ta có thể tải thêm nhiều kiểu Bảng (Panels) khác trong chợ ứng dụng Galaxy Store.
Thời lượng sử dụng pin
Hầu hết những mẫu flagship có kích thước nhỏ gọn trên thị trường hiện tại đều không có dung lượng pin vượt quá 5.000 mAh và Galaxy S24 cũng không ngoại lệ (máy sở hữu pin 4.000 mAh, cao hơn mức 3.900 mAh của Galaxy S23). Liệu mức dung lượng pin của Galaxy S24 có đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng hiện tại hay không? Để tìm được câu trả lời, mình đã thực hiện đánh giá pin của máy qua hai quy trình bao gồm:
- Đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%).
- Đo thời gian sạc đầy pin của máy (từ 0% lên 100%).
Để đánh giá pin của Galaxy S24, mình đã thực hiện hai phần gồm đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%) và đo thời gian sạc đầy pin của máy (từ 0% đến 100%).
Đánh giá pin với 4 tác vụ sử dụng thực tế xoay vòng (từ 100% xuống 0%)
Bên dưới đây là các điều kiện trong bài đánh giá pin Galaxy S24:
- Trải nghiệm 4 tác vụ xoay vòng:
- Chơi Liên Quân (thiết lập đồ họa ở mức tối đa tương tự phần trải nghiệm chơi game thực tế bên trên)
- Xem video trên YouTube.
- Lướt ứng dụng Facebook.
- Xem video trên TikTok.
- Mỗi tác vụ sử dụng 1 tiếng đồng hồ.
- Xoay vòng các tác vụ từ 100% xuống 0%.
- Máy chỉ sử dụng 1 tác vụ và không có ứng dụng đa nhiệm chạy nền.
- Máy có lắp SIM và kết nối mạng nhưng chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi xuyên suốt bài đánh giá.
- Độ sáng màn hình 100%, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng.
- Tần số quét màn hình được thiết lập: “Tương thích”.
- Bật loa ngoài với âm lượng 50%.
- Không bật tiết kiệm pin, GPS và Bluetooth.
Kết quả mình thu được như hình ảnh bên dưới, viên pin 4.000 mAh của Galaxy S24 có thể hoạt động liên tục 8 tiếng 48 phút cho 4 tác vụ xoay vòng.
Bảng đo chi tiết thời lượng sử dụng pin của Galaxy S24 theo từng tác vụ.
Như vậy với 100% pin trên Galaxy S24 và theo những tiêu chuẩn trong bài đánh giá pin, ngay bên dưới đây sẽ là thời lượng mà bạn có thể sử dụng từng tác vụ.
Đo thời gian sạc đầy pin (từ 0% lên 100%)
Để đo thời gian sạc đầy pin của Galaxy S24 (sạc từ 0% lên 100%), mình đã sử dụng dây sạc Ugreen và củ sạc Ugreen 65 W thay thế cho củ sạc 25 W chính hãng của Samsung.
Củ sạc Ugreen 65 W (bên trên) và cáp sạc Ugreen (bên dưới) mà mình sử dụng để đo thời gian sạc đầy pin Galaxy S24.
Đây là bộ sạc nhanh công suất 25 W (kèm cáp) mà Samsung bán ra với giá gần 600 nghìn đồng. Nguồn: Samsung.
Bên dưới đây là các điều kiện trong bài đo thời gian sạc đầy pin Galaxy S24:
- Máy đã mở nguồn.
- Máy có lắp SIM và kết nối mạng nhưng chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi xuyên suốt bài đánh giá.
- Máy kết nối mạng và nhận thông báo bình thường.
- Sạc xuyên suốt từ 0% lên 100% và không sử dụng máy trong quá trình sạc.
- Đã tắt tính năng “Bảo vệ pin” để ưu tiên việc sạc đầy pin máy lên mức 100%.
- Đã bật tính năng “Sạc nhanh” trong phần cài đặt sạc của máy.
Mình đã tắt tính năng “Bảo vệ pin” (bên trên) và bật tính năng “Sạc nhanh” (bên dưới) trước khi bắt đầu đo thời gian sạc đầy pin của Galaxy S24.
Kết quả là mình đã mất 1 tiếng 28 phút để có thể sạc đầy viên pin 4.000 mAh của Galaxy S24 (sạc từ 0% lên 100%).
Để sạc đầy pin của Galaxy S24 (sạc từ 0% lên 100%), mình đã mất 1 tiếng 28 phút.
Chất lượng ảnh chụp, giao diện camera
Hệ thống camera của Galaxy S24 sở hữu thông số tương đồng với Galaxy S23 nhưng thiết bị được cải thiện một số thuật toán xử lý hình ảnh nhằm mang đến chất lượng ảnh chụp tốt hơn. Trước khi đi vào chi tiết, mình sẽ điểm nhanh thống số camera Galaxy S24:
- Camera chính: Độ phân giải 50 MP, khẩu độ f/1.8, hỗ trợ chống rung OIS.
- Camera góc siêu rộng: Độ phân giải 12 MP, khẩu độ f/2.2, trường nhìn 120 độ.
- Camera tele: Độ phân giải 10 MP, khẩu độ f/2.4, tiêu cự 67 mm, hỗ trợ chống rung OIS, zoom quang học 3x.
Galaxy S24 sở hữu 3 camera với cảm biến chính có độ phân giải 50 MP.
Dựa trên trải nghiệm thực tế, mình nhận thấy camera của Galaxy S24 có khả năng chụp tốt ở nhiều điều kiện môi trường, trong đó máy sẽ cho ra chất lượng ảnh chụp tốt nhất trong môi trường đủ sáng. Điều này không quá khó hiểu khi Galaxy S24 đang là mẫu flagship mới nhất của Samsung tính đến thời điểm hiện tại.
Theo thứ tự từ trái qua phải, so sánh ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 0.6x, 1x, 2x và 3x.
Theo thứ tự từ trái qua phải, so sánh ảnh chụp trong điều kiện ngược sáng ở mức zoom 0.6x, 1x, 2x và 3x.
Ảnh chụp trong điều kiện ngược sáng ở mức zoom 3x.
Ngoài chế độ chụp 12 MP, Galaxy S24 cũng có thêm chế độ chụp độ phân giải cao là 50 MP. Mình thường sử dụng hai chế độ này khi muốn ưu tiên về mức độ chi tiết trong bức ảnh.
Galaxy S24 có chế độ chụp độ phân giải cao là 50 MP.
So sánh ảnh chụp mức zoom 1x trong điều kiện đủ sáng ở chế độ 12 MP (bên trái) và 50 MP (bên phải).
Thông tin ảnh được chụp ở mức zoom 1x trong điều kiện đủ sáng ở chế độ 12 MP (bên trái) và 50 MP (bên phải).
Mình cũng đánh giá cao khả năng thu phóng của camera tele trên Galaxy S24. Đặc biệt là hai mức zoom 2x và 3x giúp mình khép khung ảnh để tạo bố cục chặt hơn cho việc chụp ảnh chân dung.
Theo thứ tự từ trái qua phải, so sánh ảnh chụp chân dung xóa phông trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 1x, 2x và 3x.
Ảnh chụp chân dung xóa phông trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 2x.
Ảnh chụp chân dung xóa phông trong điều kiện đủ sáng ở mức zoom 3x.
Như mình đã từng chia sẻ trong bài đánh giá chi tiết Samsung Galaxy S23 Ultra sau hơn 1 năm, ExpertRAW là ứng dụng mà mình đánh giá cao. Bởi khi chụp ảnh bằng ExpertRAW trên Galaxy S24, mình cũng có thể lưu lại hai định dạng của bức hình là RAW (để hậu kỳ sâu vào thông số, chỉnh màu ảnh) và JPG (sử dụng ngay để đăng lên mạng xã hội, chia sẻ với người thân/bạn bè,…).
Đây là giao diện chụp hình của ứng dụng ExpertRAW trên Galaxy S24.
Một điều thú vị mà mình nhận ra trong ExpertRAW trên Galaxy S24 chính là ứng dụng này có hỗ trợ chế độ chụp độ phân giải 24 MP. Trong khi đó, ứng dụng chụp ảnh thông thường trên máy chỉ có hai chế độ là 12 MP và 50 MP.
Trong trường hợp mình sử dụng Galaxy S24 để chụp ảnh thiếu sáng, máy vẫn cho ra những bức ảnh với chất lượng tương đối tốt nhờ vào thuật toán xử lý hình ảnh mới và khả năng chống rung hạn chế hiện tượng nhòe ảnh.
Theo thứ tự từ trái qua phải, so sánh ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng ở mức zoom 0.6x, 1x, 2x và 3x.
Ngoài ra, Galaxy S24 cũng có tính năng chụp Ban đêm và mình đã thử sử dụng chế độ này để so sánh chất lượng ảnh chụp với chế độ chụp tự động.
So sánh ảnh chụp mức zoom 2x trong điều kiện thiếu sáng ở chế độ Tự động (bên trái) và chế độ Ban đêm (bên phải).
So sánh ảnh chụp mức zoom 3x trong điều kiện thiếu sáng ở chế độ Tự động (bên trái) và chế độ Ban đêm (bên phải).
Hai bức ảnh được chụp ở điều kiện ánh sáng trong nhà với mức zoom 2x.
Bên cạnh đó, mình nhận thấy giao diện camera của Galaxy S24 trực quan, dễ sử dụng và đầy đủ các tính năng chụp ảnh/quay video phổ biến hiện tại như: Chân dung, chụp ban đêm, thức ăn, toàn cảnh (Panorama), quay video chuyên nghiệp, quay video trôi nhanh, chuyển động chậm,…
Giao diện camera của Galaxy S24 trực quan và dễ sử dụng.
Phần mềm camera của Galaxy S24 cũng hỗ trợ đa dạng chế độ chụp ảnh, quay video để người dùng có thể sáng tạo ra những khoảnh khắc, thước phim thú vị.
Nhìn chung, mình nhận định camera của Galaxy S24 đa dụng trong nhiều môi trường, điều kiện chụp ảnh khác nhau. Sản phẩm cũng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu chụp ảnh của hầu hết người dùng phổ thông ở thời điểm hiện tại với đa dạng chế độ, kiểu chụp.
Mình đánh giá Galaxy S24 có thể đáp ứng tốt nhu cầu chụp ảnh của hầu hết người dùng phổ thông ở thời điểm hiện tại.
Nhận định của mình
Với tất cả những trải nghiệm ở trên, mình đánh giá Galaxy S24 là mẫu flagship Android nhỏ gọn rất chất lượng ở thời điểm hiện tại. Chúng ta sẽ có một thiết bị với thiết kế sang trọng, màn hình có chất lượng hiển thị đẹp, trải nghiệm phần mềm tốt cùng hệ thống camera đa dụng.
Galaxy S24 là mẫu flagship Android chất lượng ở thời điểm hiện tại với những điểm mạnh về thiết kế, màn hình, trải nghiệm phần mềm và camera.
Tuy nhiên như mình đã chia sẻ ở đầu bài viết, nhiều bạn vẫn e ngại về hiệu năng của chip Exynos 2400 và thời lượng sử dụng pin 4.000 mAh. Trong trường hợp đó, mình nghĩ rằng Galaxy S23 Ultra có thể là một sự lựa chọn đáng cân nhắc bởi sản phẩm không chỉ có dung lượng pin lớn 5.000 mAh, hiệu năng mạnh mẽ với chip Snapdragon 8 Gen 2 For Galaxy mà còn sở hữu những tính năng Galaxy AI tiện lợi tương tự mẫu Galaxy S24.
Galaxy S23 Ultra sẽ là sự lựa chọn đáng cân nhắc dành cho những bạn muốn có một thiết bị với thời lượng sử dụng pin lâu hơn và hiệu năng mạnh hơn Galaxy S24.
Nếu như các bạn vẫn thích flagship Android với kích thước nhỏ gọn nhưng không muốn lựa chọn smartphone Samsung thì mình nghĩ rằng Xiaomi 14 sẽ là cái tên đáng cân nhắc. Nếu so sánh thiết kế Xiaomi 14 và Galaxy S24, flagship mới nhất hiện tại của Xiaomi không chỉ sở hữu thiết kế đẹp mà còn có hiệu năng mạnh với chip Snapdragon 8 Gen 3, pin 4.610 mAh, hỗ trợ sạc nhanh 90 W và hệ thống camera hợp tác cùng Leica.
Nếu các bạn không thích Galaxy S24 (bên trái), mình nghĩ rằng Xiaomi 14 (bên phải) sẽ là một sự lựa chọn không tệ.
Vậy các bạn đánh giá như thế nào về Galaxy S24? Hãy để lại cảm nghĩ của bạn ở phần bình luận bên dưới bài viết cho mình được biết nha. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.
Xem thêm: