Trình biên dịch không phải bây giờ mới xuất hiện trên Windows, nhưng cái quan trọng hơn là ở sự kiện Build, Microsoft cho biết với Prism, hiệu suất ứng dụng chạy trên những mẫu laptop trang bị Snapdragon X Elite sẽ nhanh hơn 2 lần so với thế hệ trước đó, tức là Surface Pro 9 5G với nền tảng Snapdragon 8cx Gen 3 (Microsoft SQ3), chính người đứng đầu mảng Windows là Pavan Davuluri đã công bố điều đó.
Vậy rõ ràng là Prism hoạt động trên laptop Snapdragon X Elite hiệu quả hơn Surface Pro 9 5G trước đây. Snapdragon X Elite được xây dựng dựa trên nhân CPU Oryon từ Nuvia, công ty được Qualcomm mua lại mà thời điểm đó, nhân sự chủ chốt của Nuvia là các cựu kỹ sư – đội ngũ đóng góp rất lớn vào sự ra đời của con SoC 64-bit đầu tiên dành cho di động: Apple A7, một trong số đó là Gerard Williams III (thú vị là ông này có vợ người Việt Nam). Đội ngũ của Nuvia trước đây cũng đều từng là cựu nhân viên chủ chốt của Apple, riêng Gerard Williams III từng làm việc cho ARM Limited, vì vậy việc Prism hay việc biên dịch từ x86-64 sang ARM một cách hiệu quả và Microsoft cũng tự tin vào điều đó là có cơ sở.
Microsoft Prism khác gì so với ARM64EC?
Microsoft Prism và ARM64EC (ARM64 Emulation Compatible) đều là những công nghệ của Microsoft nhằm cải thiện trải nghiệm sử dụng ứng dụng Windows truyền thống (x86-64) trên các thiết bị ARM. Tuy nhiên, chúng có những mục đích và cách thức hoạt động khác nhau:
Với ARM64EC là một giao diện nhị phân ứng dụng (ABI) cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng native hoặc chuyển đổi toàn bộ/từng phần của ứng dụng x64 sang ARM mà không cần viết lại toàn bộ mã nguồn để tận dụng tối đa hiệu năng của thiết bị. ARM64EC sẽ sử dụng bộ SDK của Windows 11 cho nên nó sẽ không tương thích với Windows 10 ARM.
ARM64EC cho phép một ứng dụng kết hợp mã x64 (chạy dưới chế độ giả lập) và mã ARM64 (chạy native) trong cùng một quy trình. Điều này giúp ứng dụng đạt được hiệu suất tốt hơn ở thành phần bước khi chuyển đổi từ x64 sang ARM64.
Còn với Prism, nó tạo ra một môi trường để giả lập để chạy trực tiếp các ứng dụng x64 mà không cần bất kỳ thay đổi nào từ phía nhà phát triển. Điều này đảm bảo rằng người dùng có thể tiếp tục sử dụng các ứng dụng x64 mà không gặp phải các vấn đề về hiệu suất.